Chạy đua cấu hình - Con đường chết của Smartphone?

Zệp
  1. Khi cuộc chạy đua về cấu hình đã đi vào lối mòn, các nhà sản xuất sẽ buộc phải chuyển sang tranh đấu trong một chiến trường không có người chiến thắng: đua nhau giảm giá sản phẩm cấu hình cao.

    Sau khi giải mã về sai lầm của người dùng khi nghĩ về cấu hình cũng như tinh thần sáng tạo về tính năng bị thui chột ở phần 1 của bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tiếp thêm về cuộc chạy đua cấu hình đã giết chết smartphone như thế nào qua những phân tích dưới đây:

    Cuộc chiến khốc liệt về giá

    [​IMG]
    Nexus 4, chiếc smartphone được coi là đã khởi đầu trào lưu "giết chết đầu bảng".​


    Một trong những xu hướng dễ nhận thấy nhất trên làng smartphone toàn cầu trong những năm gần đây là ra mắt smartphone "cấu hình đầu bảng" ở mức giá tầm trung, vào khoảng 300 – 400 USD (gần 7-9 triệu đồng). Google có thể coi là người đã khai phá chiến lược này trên chiếc Nexus 4 và Nexus 5 đều do LG sản xuất. Tiếp bước Google, OnePlus (Trung Quốc) cũng ra mắt sản phẩm đầu tiên của mình có tên gọi OnePlus One với cấu hình ngang ngửa Galaxy S5 nhưng lại có giá chỉ bằng một nửa.

    Đáng chú ý nhất vẫn là Xiaomi: với chiến lược phá giá phủ khắp tất cả các phân khúc sản phẩm, hãng sản xuất Trung Quốc này vươn lên vị trí thứ 4 thế giới chỉ 4 năm sau ngày ra mắt. Suốt từ thời kỳ Mi 3 cho tới nay, các dòng Mi của Xiaomi liên tục được báo giới gọi là "lựa chọn tốt" chỉ vì cấu hình quá mạnh mà giá lại quá "bèo".

    Tương tự, trên phân khúc giá rẻ, Motorola, Xiaomi và Huawei (thông qua thương hiệu Honor) lần lượt đưa các tính năng hấp dẫn như chip lõi tứ, màn hình HD 720p lên những chiếc smartphone có giá thành dưới 200 USD (4,5 triệu đồng) như Moto E hay Redmi Note. Người chịu thiệt nhiều nhất lúc này sẽ là Samsung, LG, Sony và HTC, những công ty vốn có lịch sử mang cấu hình thấp lên smartphone giá thấp.

    [​IMG]
    Huawei gần như xóa bỏ mọi dấu tích của thương hiệu "Huawei" trên dòng Honor giá rẻ.

    Nhưng Samsung, LG và Sony cũng chỉ có thể tự trách mình, bởi xét cho cùng chính các hãng này đã tạo ra tâm lý "cấu hình là trên hết" nhưng cùng lúc lại giữ cho cả thị trường bị bế tắc trong một cuộc đua mà người tham gia chỉ có thể hòa hoặc thua. Thêm 1GB RAM không cho trải nghiệm người dùng trở nên hấp dẫn hơn, vi xử lý thì mãi mãi xoay quanh Snapdragon hoặc các sản phẩm cạnh tranh không mấy vượt trộinhư Tegra hoặc Exynos. Nếu như cuộc đua cấu hình đã bế tắc đến vậy, các nhà sản xuất khác cũng đâu còn cách nào khác ngoài cách tự chấp nhận hạ giá lấy thị phần?

    Tệ hơn, những cuộc đua về giá thì chỉ có người tồn tại, kẻ phá sản chứ không bao giờ có người chiến thắng. Các báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận biên của Xiaomi chỉ là... 3%, trong khi chiếc Moto G được Motorola phát hành khi vẫn còn dưới trướng Google cũng chỉ mang lại 5% lợi nhuận/doanh thu. Tất nhiên phải nhớ rằng Xiaomi kiếm tiền rất giỏi và không dựa vào smartphone, mà họ tạo ra hệ sinh thái và ăn nên làm ra nhờ vào nhiều thứ, kể cả... đồ lưu niệm.

    [​IMG]
    Tiết kiệm chi phí bằng cách "học" Apple rất nặng tay nhưng lợi nhuận của Xiaomi chỉ vỏn vẹn... 3%, thấp hơn Apple... 23 lần.​


    Rõ ràng là với tình cảnh hiện tại của thị trường smartphone thì chỉ có các nhà sản xuất Trung Quốc mới có thể chạy đua về mức giá, nhưng quá trình tăng trưởng "nóng" như vậy sớm muộn gì cũng có lúc kết thúc. Một khi mức sống ở Trung Quốc gia tăng và/hoặc sức mua smartphone giảm sút, các nhà sản xuất này hoặc sẽ phải tăng giá bán, hoặc sẽ phải tìm cách thị trường mới mẻ hơn. Đến khi cả những thị trường mới mẻ (như Ấn Độ hoặc châu Phi) cũng bão hòa, họ sẽ phải làm gì? Câu trả lời không ai biết được, nhưng cạnh tranh cấu hình chắc chắn sẽ không phải là câu trả lời.

    Smartphone cấu hình cao nhưng chất lượng kém

    Cạnh tranh cấu hình dẫn tới cạnh tranh về giá, và cạnh tranh về giá lại dẫn tới các vấn đề chất lượng. Để có thể mang chip Snapdragon cao cấp lên những chiếc điện thoại có giá chỉ tầm 300 – 400 USD thì các nhà sản xuất cũng sẽ phải cắt giảm bớt các yếu tố cấu hình. Các "nạn nhân" phổ biến của chính sách này sẽ là màn hình, camera, chất lượng âm thanh v...v...

    [​IMG]
    Cấu hình quá cao so với mức giá hiển nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng gia công, lắp ráp.

    Ví dụ, nếu đã từng sử dụng 2 thế hệ Nexus của LG, bạn sẽ nhận thấy rằng cả 2 chiếc smartphone này đều cho hình ảnh nhợt nhạt thiếu sức sống. Nhìn từ con số độ phân giải camera 8MP, ai cũng nghĩ rằng Nexus 4 và 5 sẽ có chất lượng ảnh chụp ở mức "ổn", nhưng sự thật đã chứng minh điều ngược lại.

    Tương tự như vậy, chiếc OnePlus One có thời lượng pin rất đáng thất vọng dù vẫn được trang bị pin 3100 mAh. Chiếc Mi 3 của Xiaomi bị trang Android Origin gọi là "một cơn ác mộng" cho người dùng tại Ấn Độ với đủ các vấn đề từ Bluetooth, pin, âm thanh cho đến cách thức phục vụ khách hàng đáng lo ngại của hãng điện tử Trung Quốc tại đây: trang Facebook của Xiaomi Ấn Độ bị "tố" là âm thầm xóa comment chê bai của chính những người đã chen lấn mua Mi 3!

    [​IMG]
    OnePlus One gây ấn tượng mạnh mẽ nhưng rồi cũng gặp rất nhiều vấn đề chất lượng.

    Ai cũng hiểu rằng bất cứ thứ gì cũng đều có giá của nó, và những gì bạn tiết kiệm được khi mua smartphone giá rẻ cấu hình cao sẽ được trả bằng sự khó chịu khi sử dụng. Điều đáng nói là gần như tất cả các yếu tố làm hỏng trải nghiệm của bạn đều không được thể hiện thông qua thông số cấu hình, và bất kỳ ai khi chuẩn bị mua smartphone thì cũng đều sẽ cảm thấy háo hức vì sắp được sở hữu một chiếc smartphone mạnh mẽ. 600 USD, 300 USD hay 100 USD bỏ ra để mua một trải nghiệm khó chịu thì vẫn sẽ là quá đắt.

    Phụ thuộc quá nhiều vào Qualcomm

    Cực chẳng đã, ngay cả chiếc OnePlus 2 "giá hời" của năm nay cũng không thể tránh được hậu quả của "thảm họa di động" lớn nhất năm 2015: chip Snapdragon 810.

    [​IMG]
    Smartphone Android đầu bảng đã từng là thế giới của riêng Qualcomm.

    Trong khi thị trường smartphone vẫn còn nhiều lựa chọn thay thế đáng giá cho dòng Snapdragon của Qualcomm như NVIDIA Tegra hay Intel Atom, nhịp phát hành smartphone đầu bảng hàng năm vẫn gắn liền với nhịp phát hành chip của Qualcomm. Hãy cùng nhìn lại các sản phẩm "đỉnh" của Qualcomm từ 2013 đến nay: các mẫu Android cao cấp nhất đầu năm 2013 sử dụng Snapdragon 600, đến cuối năm là Snapdragon 800. Năm 2014 được dành cho Snapdragon 801 và Snapdragon 805, rồi đến năm 2015 là Snapdragon 810 và sắp tới là 820.

    Những tưởng tình cảnh này sẽ tiếp diễn... mãi mãi, nhưng sự cố của Snapdragon 810 đã làm thay đổi tất cả. Đầu năm 2015, các thông tin rằng dòng chip mới nhất của Qualcomm bị quá nhiệt bỗng lan tràn trên mặt báo, tin đồn Samsung từ bỏ Snapdragon để chuyển sang sử dụng riêng chip Exynos "tự trồng" cũng xuất hiện rồi... trở thành hiện thực.

    [​IMG]
    Trong số những chiếc smartphone này, chỉ duy nhất One M9 là sử dụng Snapdragon 810.

    Các hãng sản xuất khác, vốn không tự sản xuất chip và cũng phụ thuộc quá nhiều vào chip của Qualcomm, thì không có được may mắn như vậy. Sony phải muối mặt xin lỗi vì Xperia Z3+/Z4 thường xuyên quá nóng gây treo máy, HTC One M9 thì thất bại thảm hại không chỉ vì quá giống One M8 mà còn vì dùng chip của Qualcomm.

    Nhưng câu chuyện về LG G4 là đáng nói hơn cả: LG năm nay ra mắt sản phẩm chủ đạo muộn hơn các hãng khác nên đành vội vã rút kinh nghiệm và chuyển sang dùng Snapdragon 808. Với 6 nhân xử lý, Snapdragon 808 vẫn có đủ sức mạnh để tạo ra một chiếc đầu bảng đủ sức cạnh tranh với Galaxy S6. Nhưng có vẻ, người dùng vẫn không thể chấp nhận được một vi xử lý "hạng hai" trên một chiếc smartphone hạng nhất, và hãng sản xuất Hàn Quốc cũng đành ngậm ngùi chứng kiến lợi nhuận sụt giảm trong quý tài chính vừa qua.

    Vậy, tại sao Qualcomm lại sảy chân đau đớn như vậy? Theo phỏng đoán của nhiều nguồn tin, lý do là bởi hãng thiết kế chip hàng đầu thế giới này đã cố gắng quá sức để chạy theo kiến trúc 64-bit của Apple. Thậm chí, Qualcomm còn không kịp tùy biến ra nhân Krait như mọi năm mà vẫn giữ lại thiết kế Cortex nguyên bản của ARM. Hậu quả đến nay là quá rõ.

    [​IMG]
    Nạn nhân tiếp theo của Snapdragon: Sony Xperia Z3+/Z4.

    Trong khi bước chuyển lên 64-bit là tất yếu, Snapdragon 810 có lẽ đã không gặp vấn đề nếu như Qualcomm chấp nhận ở lại với 32-bit thêm một năm nữa. Thực hiện bước tiến lên 64-bit là có thể sẽ cần thiết và cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích về hiệu năng cũng như thiết kế ứng dụng nhưng chưa phải là cần ngay, nên việc đánh đổi một năm phải ở lại với 32-bit để lấy một năm thất bại của gần như tất cả các nhà sản xuất Android thì quả là "đắng chát" với tất cả các bên liên quan.

    Điều cuối cùng mà chúng ta nhìn thấy từ sự kiện Snapdragon 810 là tương lai của cuộc đua cấu hình do Samsung vẽ ra. Với thế mạnh về chip sẵn có, Samsung tận dụng tốt tiếng xấu của Snapdragon 810 để làm bật lên sức mạnh của Exynos, một dòng chip vốn đã tồn tại song song nhưng lại khá mờ nhạt trước các đời Snapdragon cũ của 2013 và 2014.

    Thất bại của Snapdragon 810 nghiêm trọng đến mức khi ra mắt Galaxy Note 5 và Galaxy S6 edge+, công ty Hàn Quốc thản nhiên sử dụng lại mẫu Exynos 7420 của Galaxy S6 và S6 edge. Điều này cho thấy cuộc đua cấu hình sớm muộn gì rồi cũng sẽ tự kết liễu chính nó, và phần đông người tiêu dùng có vẻ cũng đã ám ảnh về cấu hình tới mức không thể không cảm thấy khó chịu khi phải dùng một chiếc Note chẳng mấy mạnh mẽ hơn chiếc S đã ra mắt vài tháng trước đó.

    Lời kết

    [​IMG]


    Có thể nói rằng năm 2015 là một trong những năm đáng lo ngại nhất trong suốt 8 năm lịch sử smartphone hiện đại, tính từ ngày Steve Jobs ra mắt iPhone tại WWDC. Sự cố của Snapdragon 810, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm của gần như tất cả các hãng Android cùng với tình trạng trì trệ dần của thị trường Trung Quốc báo hiệu thời điểm chiếc smartphone dần trở thành PC thứ hai: chỉ sau vài năm phát triển vũ bão, thị trường điện thoại thông minh đang dần nguội lạnh.

    Nhưng đáng lo hơn cả là tình trạng thờ ơ của người dùng đối với những sản phẩm đã từng thay đổi cuộc sống của họ. Khi chiếc Galaxy Note 5 và S6 edge+ ra đời vào tuần trước, nhiều fan ruột đã lên tiếng khẳng định rằng cả 2 chiếc phablet mới của Samsung đều đã trở nên quá nhàm chán.

    Rõ ràng là những khó khăn hiện tại của thị trường smartphone không đến từ riêng cuộc đua cấu hình. Song, tình trạng thiếu sáng tạo và quá tập trung vào những thông số đã không còn quá nhiều ý nghĩa cuối cùng đã làm hại cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

    Những vấn đề đặt ra trước mắt sẽ không có lời giải dễ dàng, bởi suy nghĩ "chọn điện thoại bằng cấu hình" đã ăn sâu vào tiềm thức của người dùng. Tất cả những gì người dùng có thể hy vọng lúc này là các nhà sản xuất sẽ... khó khăn hơn nữa. Bởi, nhìn từ câu chuyện của BlackBerry, chỉ khi nào vào thế bí, các tên tuổi lớn mới có thể tạo ra những sản phẩm có thể một lần nữa tạo ra những chiếc smartphone có thể khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng.

    Theo Vnreview


Share This Page

Tin mới nhất