Đường Về - Số phận đau thương đến cùng cực của kiếp người thời Trung Hoa Dân Quốc

Dương Thị Lan
  1. Trong thế giới hoang tàn và thê lương ấy, thứ đáng sợ nhất chính là lòng người.

    “Đường Về” lấy bối cảnh năm 1905-1926, tức thời kỳ đầu của Trung Hoa Dân Quốc khi khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, tư tưởng phong kiến mà điển hình là trọng nam khinh nữ, vẫn ăn sâu trong tiềm thức của con người.

    Nhân vật chính trong “Đường Về” - Kiều Ngọc An - là con trai độc nhất trong một gia đình giàu có nổi tiếng ở Di Xuyên. Ngoài ra, gia đình họ Kiều còn có ba cô con gái, trong đó Kiều Ngọc An thân với cô em gái út nhất.

    [​IMG]


    Câu chuyện bắt đầu khi nam chính Ngọc An đi du học trở về. Về nhà sau thời gian dài xa cách, Kiều Ngọc An nhận được sự chào đón của bố mẹ và chị cả, anh cũng không ngại bày tỏ nỗi nhớ nhung của mình với mọi người. Nghỉ ngơi một lát, Kiều Ngọc An chợt nhận ra, em út - người vốn thân thiết với anh nhất - ấy thế mà không thấy đâu. Sau khi hỏi người nhà thì anh được cho biết, em gái dạo gần đây sức khỏe không tốt, đang điều trị tại bệnh viện Thánh Âm trong thị trấn. Trong ấn tượng của mình, bệnh viện Thánh Âm là nơi chuyên chữa trị những ca bệnh nặng, Kiều Ngọc An cảm thấy bất an vô cùng nên ngay lập tức chạy đến đó thăm em.

    [​IMG]


    Tuy nhiên, khi Kiều Ngọc An tới nơi, bệnh viện vắng tanh, khắp nơi sương mù bao phủ, xung quanh lảng vảng những thực thể kỳ lạ giống như linh hồn người chết. Đi một hồi, anh mới gặp được một người đàn ông đầu tiên trông có vẻ bình thường - Lục Hào. Khi Kiều Ngọc An hỏi Lục Hào về tung tích của em gái, anh ta không nói cụ thể địa điểm mà chỉ đáp rằng làn sương mù đang bao phủ bệnh viện chính là “Ảo Ảnh” - ảo ảnh của những bóng ma, oán thán, u ám và tiêu cực. Trong Ảo Ảnh, những linh hồn tràn đầy oán giận quay trở lại nhân gian, ôm lòng khát khao báo thù. Người sống một khi bước vào Ảo Ảnh thường không có đường lui, một đi không trở lại. Lục Hào ở đây để giúp những người vô tình rơi vào Ảo Ảnh thoát ra, sau đó anh ta tặng Kiều Ngọc An một chiếc đèn hoa sen, nói rằng chiếc đèn này có thể mang cậu quay về thế giới hiện thực.

    [​IMG]


    Kiều Ngọc An nóng lòng đi tìm em, nhanh chóng cầm đèn hoa sen rồi tiếp tục đi sâu và khám phá những bí mật bị phong ấn nhiều năm của bệnh viện Thánh Âm.

    Khoảng năm 1905, thời điểm trước khi Kiều Ngọc An ra đời, thị trấn Di Xuyên bị bệnh dịch tàn phá, người dân lâm vào cảnh khốn cùng, bệnh nhân chen chúc tại bệnh viện Thánh Âm. Hai bác sĩ điều trị chính lúc đó là Lý Thư Phi và Lục Miên. Lượng bệnh nhân quá lớn, Lý Thư Phi nhận ra đây là cơ hội kiếm tiền có một không hai. Vì đồng tiền, hắn không do dự vứt bỏ lương tâm, cấu kết với những kẻ buôn thuốc lậu, tung tin có một loại thuốc Tây mới có thể chữa khỏi dịch bệnh, sau đó tăng giá bán để thu lợi bất chính. Lục Miên dù biết nhưng không có cách nào ngăn cản, đành mặc kệ để Lý Thư Phi tiếp tục đẩy giá thuốc lên cao.

    Bệnh dịch diễn biến ngày càng phức tạp, vô số người bỏ mạng vì không đủ tiền mua thuốc, kết quả sự oán giận của người dân với bệnh viện Thánh Âm không ngừng tăng cao. Không ít nhân viên y tế khi đối mặt với thái độ tiêu cực của bệnh nhân cũng đánh mất lương tâm, lợi dụng sự cùng quẫn của bách tính để trục lợi.

    Ngoài lực bất tòng tâm, một lý do khác khiến Lục Miên lựa chọn nhắm mắt làm ngơ trước hành vi của Lý Thư Phi: dòng dõi đặc biệt của gia đình - Người Gác Đường. Tương truyền, Người Gác Đường là những người có thể nhìn thấy và nói chuyện với ma quỷ, nhiệm vụ của họ là ngăn cản tai ương, diệt trừ tà khí, bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân Di Xuyên.

    Để bảo vệ quyền kế thừa Người Gác Đường từ đời này sang đời khác, Lục Miên lựa chọn kết hôn với chính em họ của mình - Lục Ngưng Thu, hòng giữ cho huyết thống gia đình không lai tạp. Lục Miên và Lục Ngưng Thu lấy nhau xong thì sinh được một đứa con trai đặt tên Lục Hào, chính là “người sống” duy nhất trong bệnh viện mà nam chính Kiều Ngọc An trước đó đã gặp qua.

    Thừa hưởng dòng máu của “Người Gác Đường”, Lục Hào từ khi sinh ra đã có một năng lực đặc biệt: có thể nhìn thấy giới tính của thai nhi là trai hay gái. Về phía Lục Ngưng Thu, sau khi hạ sinh Lục Hào thì ốm đau liên miên. Không tâm cơ như Lý Thư Phi, Lục Miên liêm chính, không đi đường ngang lối tắt nên dù rằng đã công tác tại bệnh viện một thời gian dài, ông vẫn không có đủ tiền để trang trải chi phí chữa trị cho vợ mình. Suy đi tính lại, ông quyết định lợi dụng năng lực đặc biệt của con trai để kiếm tiền. Ở cái thời đại mà tư tưởng trọng nam khinh nữ đã bám sâu vào tiềm thức con người, mục đích người ta muốn biết trước giới tính thai nhi chính là muốn sinh con trai.

    [​IMG]


    Năng lực của Lục Hào vô tình giết chết nhiều thai nhi gái bởi rất nhiều quan chức sau khi biết mang thai con gái đã đến bệnh viện để phá bỏ. Dù lựa chọn sử dụng năng lực của con trai để kiếm tiền nhưng với một người có tấm lòng nhân hậu như Lục Miên, điều này khiến ông cắn rứt lương tâm vô cùng.

    Tại bệnh viện, Lục Miên cũng nhận được nhiều thiện cảm của phái nữ bởi tính cách cởi mở và tốt bụng, trong đó có một nữ y tá khá thân thiết với ông tên Diêu Văn Nguyệt. Văn Nguyệt cũng là một người hiểu lý lẽ, biết Lục Miên vì dòng dõi gia đình nên mới kết hôn với em họ của mình, cô chỉ viết một lá thư bày tỏ tình cảm của mình với ông, sau đó chôn chặt tâm tư với vị bác sĩ đáng mến ở trong lòng. Trong thư, cô viết cô không hy vọng tình cảm của mình với Lục Miên có kết quả gì, cũng tuyệt đối sẽ không chen chân vào gia đình của ông, chỉ mong rằng kiếp sau có cơ hội được ở bên nhau.

    [​IMG]


    Ở một diễn biến khác, nhà họ Kiều với nhà họ Liên và nhà họ Giang đều là bạn bè của nhau. Trùng hợp, phu nhân của cả ba gia đình đều có ngày dự sinh giống nhau nên được sắp xếp vào ba phòng trong bệnh viện. Con dâu nhà họ Liên là bà Phùng có gia đình khá giả, ông Liên trước đó đi ở rể nhà họ Phùng. Hai người họ vốn đã có một cậu con trai nhưng bẩm sinh có vấn đề về thần kinh nên không được thông minh lanh lợi. Bởi vậy, ông Liên muốn sinh thêm đứa con trai nữa để kế thừa tài sản gia đình.

    Điều kiện gia đình ông Giang không được dư dả như gia đình họ Kiều và Liên nhưng vợ ông - bà Tần lại vô cùng lương thiện, với bà trai hay gái không quan trọng, miễn con sinh ra bình an vô sự là được. Trái ngược với vợ, ông Giang vì xuất thân nghèo khó nên tính tình có vẻ tham lam, thực dụng. Chớp mắt đến ngày bà Kiều sinh con, đương nhiên là con trai, chính là Kiều Ngọc An.

    Gia đình họ Giang và Liên mỗi nhà đều sinh được một cô con gái. Ông Liên thấy vợ sinh con gái thì vô cùng xấu hổ, cộng thêm việc nhìn thấy bà Kiều sinh được con trai lại càng thấy ganh ghét hơn. Cơn tức giận trong lòng càng ngày càng dâng cao, đến mức trong lúc vợ mình còn đang hôn mê, ông ta đã lén mang đứa con gái mới sinh của mình dìm chết trong nhà vệ sinh. Sợ vợ mình tỉnh lại sẽ tra hỏi, ông ta tìm đến ông Giang, kẻ cũng đang khao khát một đứa con trai. Ông Liên quyết định bỏ ra một khoản tiền lớn mua đứa con gái mới sinh của ông Giang, sau đó cả hai phối hợp với nhau diễn vở kịch “Ly miêu hoán thái tử”, đổi trắng thay đen.

    [​IMG]


    Nhà ông Giang, như đã nói ở trên, không mấy khá giả, lại không thích con gái nên dễ dàng đồng ý với kế hoạch của ông Liên. Hai người lén bế đứa con gái bà Tần dứt ruột đẻ ra đặt bên cạnh vợ ông Liên là bà Phùng. Câu hỏi đặt ra là: Khi bà Tần tỉnh dậy phát hiện không thấy con đâu thì sẽ thế nào? Để giải quyết vấn đề này, ông Liên và ông Giang nghĩ ra một cách: vu khống cho bệnh viện. Cả hai tung tin rằng bác sĩ Lục Miên, người đã đỡ đẻ cho bà Tần, do kỹ thuật yếu kém đã khiến đứa trẻ chết ngay trên bàn sinh - một kế hoạch hoàn hảo, vừa có thể che đậy tội ác, vừa có thể đòi tiền bồi thường từ bệnh viện.

    Người dân, lúc này vốn đã căm ghét bệnh viện Thánh Âm đến tận xương tủy, nghe được tin đồn từ ông Giang và ông Liên như thể lửa đổ thêm dầu. Cả thị trấn xôn xao, bác sĩ Lục Miên phải đối mặt với cơn ác mộng lớn nhất trong sự nghiệp. Nhưng chuyện không chỉ có thế, bà Tần sau khi phát hiện con gái đã chết, cả thể chất và tinh thần vô cùng suy sụp, cũng qua đời không lâu sau đó. Ông Giang lúc này càng có cớ để bù lu bù loa, rằng con ông vốn dĩ sinh ra không có mệnh hệ gì nhưng do trình độ bác sĩ yếu kém nên đã chết, giờ lại đến lượt vợ ông ta, bệnh viện không thể không chịu trách nhiệm.

    Ông Liên thậm chí còn viết thư cho ông Kiều, bảo gia đình ông Kiều phối hợp để bôi đen bác sĩ Lục Miên và bệnh viện Thánh Âm. Mặc dù nhà ông Liên có tiền nhưng lúc đó tình hình kinh doanh của ông Kiều cũng đang bước vào thời kỳ hoàng kim nên trước lời đề nghị của ông Liên, ông Kiều nhất mực giữ im lặng. Mặt khác, ông Liên ở bệnh viện đã phát hiện cô y tá Diêu Văn Nguyệt có tình cảm thầm kín với Lục Miên nên tung tin đồn, tiếp tục kéo Văn Nguyệt vào vòng xoáy này.

    Áp lực bủa vây bác sĩ Lục Miên khiến ông không biết phải làm gì. Vì không thể trơ mắt đứng nhìn người mình cảm mến khổ sở, Diêu Văn Nguyệt lấy hết can đảm hẹn gặp Lục Miên, đề nghị để cô nhận hết lỗi lầm về mình, cô chỉ có một thân một mình nên không cần lo lắng liên lụy đến người khác. Nhưng, làm sao Lục Miên có thể để một người phụ nữ yếu đuối làm vật hiến thân thay mình được? Cuối cùng, trong tuyệt vọng, ông nung nấu ý định tự kết liễu cuộc đời. Trước khi chết, vì không muốn để vợ và con ở lại gánh tiếng xấu, Lục Miên viết thư cho ông Kiều, hy vọng chút ân tình còn sót lại khi đỡ đẻ hai đứa con gái ông Kiều, sẽ khiến ông tình nguyện đứng ra làm chứng, đồng thời cũng giao phó vợ và con trai Lục Hào, mong ông Kiều giúp đỡ họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, như cách ông Kiều đối mặt với lá thư của ông Giang, với bác sĩ Lục Miên, ông ta cũng lựa chọn im lặng, thấy chết không cứu.

    Quá bất lực, Lục Miên tự sát trong bệnh viện sau khi để lại lá thư tuyệt mệnh và di vật của bà Tần - chiếc khóa Trường Sinh. Trong thư, Lục Miên gửi gắm sứ mệnh “Người Gác Đường” cho Lục Hào, đồng thời nói với anh đèn hoa sen làm từ máu của Người Gác Đường có thể dùng để xua tan Ảo Ảnh. Ngoài ra, bà Tần sau khi chết vì lo lắng cho con gái nên không thể siêu thoát, bởi vậy Lục Miên lựa chọn chết tại bệnh viện một phần ông muốn linh hồn mình ở đây để trấn áp vong linh bà Tần. Nếu sau này hồn ma bà Tần tiếp tục xuất hiện thì cũng có thể dùng khóa Trường Sinh để ngăn chặn. Sau khi Lục Miên qua đời, Văn Nguyệt bán thuốc kiếm tiền nuôi Lục Hào và Lục Ngưng Thu bị bệnh.

    [​IMG]


    Trở lại Kiều Ngọc An, lúc này anh lờ mờ nhìn thấy bóng dáng của một cô nhóc, hỏi ra thì hóa ra đây chính là con ruột của bà Tần, người khi trước bị đánh tráo thành con gái nhà họ Liên. Để đảm bảo an toàn, Kiều Ngọc An đưa cô bé đến chỗ Lục Hào, đồng thời trao trả chiếc khóa Trường Sinh mà anh đã vô tình tìm thấy cho Lục Hào, chủ nhân thực sự của nó. Kể từ đó hồn ma bà Tần cũng không xuất hiện nữa.

    Cùng lúc đó, Kiều Ngọc An phát hiện em gái của mình không hề ở bệnh viện, thay vào đó, mọi manh mối về sự mất tích của cô có vẻ đều liên quan đến chuyện cũ nhà họ Kiều. Anh quyết định rời khỏi bệnh viện, quay lại dinh thự nhà họ Kiều xem chuyện gì đang diễn ra.

    Trở về, Kiều Ngọc An phát hiện trong nhà treo lụa trắng đỏ lẫn lộn, Ảo Ảnh xuất hiện vô số ma quỷ, ngay cả người chị cả ngày thường đoan trang hiền lành cũng trở nên điên cuồng đáng sợ. Trong khi chạy trốn khỏi sự truy sát của chị cả, Ngọc An đã biết được đoạn ký ức của chị cả, chị hai và em gái.

    [​IMG]


    Sau khi Kiều Ngọc An ra nước ngoài, việc kinh doanh ngọc bích của nhà họ Kiều ngày càng sa sút. Ngược lại, việc kinh doanh quan tài của gia đình họ Liên thì lên như diều gặp gió, nguyên nhân chính do dịch bệnh hoành hành nên số người chết là không đếm xuể.

    Lúc này, chị cả họ Kiều đã đến tuổi lấy chồng, gia đình họ Liên lại có một đứa con trai ngốc, nên đề nghị gả chị cả Kiều cho con trai mình. Khi ông Kiều còn đang lưỡng lự thì ông Liên gửi đến một lá thư đe dọa ông Kiều, nói rằng khi bác sĩ Lục Miên bị tấn công và tự sát ở bệnh viện Thánh Âm, sự im lặng của ông Kiều khiến ông ta không khỏi liên lụy. Không có cách biện minh, cộng thêm việc kinh doanh của gia đình ông Liên cũng đang phát triển mạnh, ông Kiều đồng ý gả con gái mình, nghĩ rằng cuộc hôn nhân này sẽ phần nào giúp ông vực dậy gia đình.

    [​IMG]


    Chị cả họ Kiều từ khi còn nhỏ đã được dạy về tam tòng tứ đức, đồng thời cũng là con gái lớn trong nhà nên bản thân chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng phong kiến. Bởi vậy sau khi biết tin, cô không hề phản đối, ngậm ngùi đồng ý gả cho đứa con trai ngốc nhà họ Liên. Tuy nhiên, kết hôn xong cô không đến ở nhà họ Liên mà vẫn sống ở nhà mình. Thời gian sau, chị cả thường xuyên nhờ Kiều Ngọc An đi mua thuốc, nguyên nhân do sức khỏe của người anh rể ngốc nghếch không được tốt. Thế nhưng trong đơn thuốc cần mua lại có nhiều thành phần độc tố, có thể thấy chị cả đang âm thầm đầu độc đứa con trai nhà họ Liên. Hơn nữa, trong căn phòng chị cả đang ở thường xuyên phát ra tiếng thỏ kêu và mùi hôi thối, có lẽ chị ta mắc chứng rối loạn thần kinh do bị đè nén quá lâu nên nảy sinh ham muốn ngược đãi động vật.

    Bi kịch tương tự cũng xảy ra với người chị thứ hai. Không giống như chị cả, chị hai là một người phóng khoáng, từ nhỏ đã không muốn bị kìm kẹp bởi những thứ như tam tòng tứ đức. Cô là một trong số ít phụ nữ thời đó thích đọc sách, thích tự do, độc lập. Tính cách cởi mở hiện đại của cô khiến Hạ Dĩ Hằng, lúc đó là phóng viên của một tờ báo, vô cùng tán thưởng. Cả hai thường xuyên đọc sách, dần dần yêu nhau. Tuy nhiên, mối quan hệ này lại không được gia đình họ Kiều ủng hộ. Ông Kiều sau khi biết được đã nhốt cô chị hai trong nhà, không cho cô ra ngoài gặp bạn trai.

    Chị hai sau đó cầu cứu Kiều Ngọc An, nhờ cậu đưa chiếc trâm ngọc có giấu bức thư tình cho Hạ Dĩ Hằng, nói rõ tình cảnh của mình và bản thân cô chỉ muốn kết hôn với anh. Thế nhưng chiếc trâm ngọc không may bị chị cả phát hiện và tịch thu, Hạ Dĩ Hằng vì thế cũng không nhận được tin tức của người yêu.

    Ông Kiều sau đó ép gả chị hai cho một gia đình giàu có khác trong thị trấn. Không may vào ngày cưới, chú rể đột ngột qua đời. Tuy nhiên để không khiến nhà họ Kiều mất mặt, đồng thời muốn nâng cao địa vị gia đình, ông Kiều không đồng ý hủy hôn, ông ta tuyên bố dù chú rể có chết cũng phải cưới. Ngày cưới, chị cả đến trước kiệu hoa, khéo léo đứa cho em một chiếc kéo. Chị hai tới lúc bái đường mới biết mình bị ép bước vào một cuộc minh hôn nên đứng dậy bỏ chạy, thế nhưng cô không thể thoát được do bị đánh đập hành hạ dã man. Quá túng quẫn, cô dùng kéo tự sát ngay trong ngày cưới.

    [​IMG]


    Chị hai nhanh chóng được đưa đến bệnh viện Thánh Âm để cấp cứu, Hạ Dĩ Hằng biết tin chạy đến thì phát hiện người yêu đã chết. Anh không cam lòng nên tiếp tục tìm kiếm manh mối điều tra bệnh viện và gia đình họ Kiều.

    Sau cô chị, cô em út cũng phải trải qua một cuộc đời đầy bi kịch. Cô vốn dĩ không phải con ruột, nhà họ Kiều đã mua cô chỉ với hơn 1 tệ vì cô sinh ra vào ngày đại cát đại lợi. Từ nhỏ cô đã không có bạn, chỉ quanh quẩn ở bên Kiều Ngọc An. Ngọc An chăm cô từ khi còn nhỏ, anh thậm chí tự ý lấy tiền mua thuốc chị cả đưa để mua diều cho em.

    Đến khi Ngọc An ra nước ngoài du học, số phận của cô em lại rơi vào hố đen không đáy. Thị trấn Di Xuyên có gia đình của một vị Thượng úy quyền cao chức trọng, thế nhưng con trai của ông ta lại lâm bệnh nặng qua đời. Tuy nhiên, theo lời của thầy bói thì con trai ông chưa chết hẳn, chỉ cần thu thập được 7 cô gái có ngày sinh đại cát tự nguyện hiến tế thì có thể khiến linh hồn của người con quay lại. Ông Kiều nghe tin, không ngần ngại hiến tế con gái mình, vì thế khi Kiều Ngọc An trở về, cả nhà đều do dự không dám nói cho anh biết sự thật.

    Ngoại trừ Kiều Ngọc An, ba cô con gái trong mắt gia đình họ Kiều đều không đáng nhắc tới. Năm 1921, gia đình họ Kiều bị điều tra vì buôn muối lậu, ông Kiều ngay lập tức lấy người quản gia tận tâm Lão Từ làm vật thí mạng. Để chứng minh mình vô tội, Lão Từ đập đầu trong nhà từ đường tự tử. Lúc đó Kiều Ngọc An vẫn còn nhỏ, tận mắt chứng kiến cảnh đó đã sợ đến ngất đi. Ông Kiều sợ hãi liền gọi ngay thầy bói đến xem xét, kết quả con chó vàng lớn lên cùng Kiều Ngọc An bị đem ra giết thịt.

    Sau khi biết được toàn bộ ký ức, Ảo Ảnh trong nhà họ Kiều vẫn chưa tan biến, Ngọc An quay lại bệnh viện để tìm kiếm sự giúp đỡ của Lục Hào. Sau khi đặt chân vào nhà họ Kiều, Lục Hào nhờ đèn hoa sen xua tan Ảo Ảnh và nhận ra Ảo Ảnh là do đàn anh của mình, Yến Hoài Khâm, sắp đặt. Lục Hào tìm gặp Yến Hoài Khâm hỏi lý do thì biết được chính ông Kiều là người yêu cầu thiết lập Ảo Ảnh, mục đích là để cầu nguyện cho sự an toàn của Kiều Ngọc An.

    Trong khi đó, em gái út cùng 6 cô gái khác có ngày sinh đại cát trong thị trấn đều bị bắt cóc để hồi sinh đứa con trai đã chết của ông Thượng úy. Là Người Gác Đường, Lục Hào không thể đi đến cõi sâu nhất của Ảo Ảnh, nếu muốn cứu những cô gái ấy, chỉ có cách tìm một người bình thường cầm đèn hoa sen đi vào phá giải.

    Kiều Ngọc An vì muốn cứu em, đồng ý đi vào nơi sâu nhất, âm khí nặng nhất của Ảo Ảnh mặc cho lời cảnh cáo của Lục Hào rằng có thể anh sẽ không sống sót trở về. Trong Ảo Ảnh, Kiều Ngọc An thông qua Gương Tội Nghiệt nhìn thấy tội lỗi bản thân đã từng phạm phải trong suốt cuộc đời.

    [​IMG]


    Kiều Ngọc An lúc nhỏ ra ngoài chơi với bà quản gia vô tình bắt gặp người dân nhốt một đôi nam nữ yêu nhau trong sọt lợn. Nghe nói, hai người yêu nhau sau khi chồng cô gái đã chết nhiều năm và theo tư tưởng của thời đó thì hành vi này là không đoan chính. Trước sự xúi giục của bà quản gia, Kiều Ngọc An đã nhặt đá ven đường ném vào hai người họ, đây là tội lỗi đầu tiên.

    Tội lỗi thứ hai là khi Kiều Ngọc An giúp chị cả đi mua thuốc, rõ ràng biết trong đơn thuốc có nhiều thành phần độc tố nhưng lại không truy cứu rõ ràng, gián tiếp giết chồng của chị cả. Thứ 3 khi chị hai nhờ Kiều Ngọc An đưa chiếc trâm cài tóc cho Hạ Dĩ Hằng và bị chị cả bắt gặp, anh không kiên quyết bảo vệ mà bị chiếc máy ảnh trên tay chị cả cám dỗ, sau đó đồng ý đổi trâm lấy máy ảnh. Lúc này, ba tội lỗi mà Kiều Ngọc An phạm phải đã biến thành những cô hồn cản đường dưới âm phủ.

    [​IMG]


    Trải qua bao gian khổ, Kiều Ngọc An cuối cùng cũng tìm được em gái đang bị nhốt trong ngục tối. Anh đưa đèn hoa sen cho em, nói với cô bé hãy cầm đèn và men theo con đường trở về nhà. Bản thân anh vì đã rơi vào Ảo Ảnh quá sâu, đôi mắt đã mất đi ánh sáng, hy vọng duy nhất của anh lúc này là cứu được em gái. Kiều Ngọc An liên tục thúc giục em gái đi trước, lấy lý do anh phải ở đây để giải cứu 6 cô gái còn lại. Sau đó, Kiều Ngọc An bước về hướng ngược lại giữa tiếng khóc của em gái, dần dần biến mất trong bóng đêm.

    [​IMG]


    Em út thoát khỏi Ảo Ảnh, quay lại dinh thự nhà họ Kiều, lúc này cái kết có hậu hay bi kịch phụ thuộc vào sự lựa chọn của người chơi. Cái kết có hậu chính là cô em út nhặt được cái diều mà Kiều Ngọc An mua cho mình ở trước cửa, ghi tạc trong lòng tình cảm của anh trai và rời khỏi nhà họ Kiều, sống cuộc sống của riêng mình. Ngược lại, câu chuyện đi vào bi kịch khi cô nhặt được chiếc kéo trước cửa nhà và dấn thân vào hành trình trả thù không hồi kết.

    “Đường Về” tái hiện sâu sắc bối cảnh xã hội thời đầu Dân quốc khi mà tư tưởng phong kiến vẫn ăn sâu vào trong tiềm thức của con người. Game không khỏi khiến người chơi cảm thương cho số phận của con người, đặc biệt là phụ nữ, những người bị áp bức, chịu đau khổ và nhiều thiệt thòi nhất.​



Share This Page

Tin mới nhất