Game thủ Mobile sẽ không thể chơi game PC/Console vì "hàng fake"

Hard
  1. Game fake hay game làm giả sẽ khiến chúng ta không bao giờ có cơ hội thưởng thức những siêu phẩm PC/Console trên Mobile.

    Những tựa game chuyển hệ từ PC/Console lên Mobile luôn giữ chất lượng cao, đảm bảo những trải nghiệm gameplay và đồ họa vào hàng xuất sắc. Chính vì thế cứ mỗi khi xuất hiện thông tin về một tựa game nào đó từ mảnh đất chuột phím - tay cầm bước lên di động, là cộng đồng lại được phen đứng ngồi không yên.

    Tuy nhiên, viễn cảnh tương lai nơi người chơi được thưởng thức những quả bom tấn PC/Console ngay trên lòng bàn tay mình đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Tất cả chỉ vì một nguyên nhân, một nỗi ám ảnh bấy lâu nay trên nền tảng di động. Chúng ta đang nói đến vấn nạn "hàng giả", hay theo thuật ngữ chuyên dụng hơn là "game fake".

    Minecraft có phần 2? Pokemon lên Mobile cách đây 3 năm?

    Nếu để ý, bạn đọc có thể nhận ra trên App Store trong vài tuần đổ lại đây bất ngờ xuất hiện một hiện tượng mới, một tựa game mang tên Minecraft: Pocket Edition 2 (hiện đã bị gỡ bỏ). Với sự phổ biến và thành công không tưởng của cái tên "Minecraft" đi trước, sự xuất hiện của một hậu bản phần hai từ trên trời rơi xuống quả thực gây không ít bất ngờ, thậm chí còn khiến nhiều fan hâm mộ mừng vui.

    [​IMG]
    Minecraft: Pocket Edition 2????


    Nhưng trước khi ai đó kịp rút hầu bao và tậu cho mình tựa game đóng giá 160 ngàn đồng này, xin khẳng định luôn Minecraft: Pocket Edition 2 chỉ là một trò lừa gạt không hơn. Cũng chẳng cần phải nhìn xuống hình ảnh bên dưới để nhìn ra chân tướng màn hỏa mù được giật dây bởi một kẻ vô lương tâm nào đó. Chỉ riêng việc nhìn vào tên tuổi cá nhân đăng tải tựa game này trên App Store thôi cũng đặt lên những dấu hỏi cực lớn.

    Ở đó Minecraft: Pocket Edition 2 - nếu đúng là một sản phẩm "chính chủ", đã phải đặt dưới tên của studio phát triển là Mojang - nay thuộc quyền quản lý của Microsoft. Nhưng thay vào đó, nó lại được đăng tải bởi một người tự xưng Scott Cawthorn - tên tuổi của cha đẻ series game nổi danh Five Nights at Freddy's. Hai cái tên đình đám được lợi dung cùng lúc cho một vố lừa đảo, một vố lừa đảo dễ dàng bị vạch trần bởi đại đa số những người thông thạo tin tức game. Nhưng với người bình thường, những người ít để ý đến thông tin về ngành giải trí ảo, thì khả năng trở thành nạn nhân là thực sự cao.

    [​IMG]
    Đây là những gì bạn nhận được khi chơi Minecraft: Pocket Edition 2.


    Quay về thời điểm cách đây 3 năm, App Store đã từng chứng kiến một sự kiện tương tự với Pokemon Yellow - một sản phẩm làm giả không hiểu bằng cách nào vươn lên đến vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng ứng dụng trả phí, bất chấp cả ngàn đánh giá 1 sao và chẳng hề hoạt động khi tải về. Hai ví dụ điển hình, một quá khứ và một vừa xảy ra trước mắt, gợi lên cho chúng ta một khả năng đáng sợ hơn nhiều lần.. Đó là những mối hiểm họa như thế có thể diễn ra hết sức dễ dàng ở mọi lúc mọi nơi mà không một ai có thể ngăn cản.

    Apple làm gì để bảo vệ game thủ?

    Nhìn về phía Apple, bài học cách đây ba năm dường như vẫn chưa đủ thuyết phục ông lớn này đặt ra một bức tường bảo vệ người tiêu dùng. Những nạn nhân tới nay vẫn bị thất thế vì chưa hề có một quy định, điều khoản hay thông tin chính thức nào nhắc đến việc bồi hoàn số tiền bị mất.

    Nếu Apple vẫn khoanh tay đứng nhìn, liệu trong tương lai ai có thể ngăn cản các thủ đoạn tinh vi hơn? Pokemon và Minecraft chí ít còn có danh tiếng lớn, được nhiều người biết đến và báo chí đưa tin, từ đó hạn chế khả năng lừa đảo. Vậy còn những tựa game ít tiếng tăm hơn, những cái tên không lọt vào bảng xếp hạng, lọt dưới tầm radar của phương tiện truyền thông? Liệu với hằng trăm, hàng ngàn, hàng triệu lượt người lướt qua App Store mỗi ngày, chúng ta có dám quả quyết một ai đó không nhẹ dạ cả tin?

    [​IMG]
    Không ít người bị lừa...


    Hơn nữa, sự lộng hành của những tựa game fake cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà làm game chân chính. Cứ mỗi đồng tiền mà người tiêu dùng vô tình dành cho những "thứ phế phẩm" kia, là lại ít đi một đồng tiền mà họ dùng cho sản phẩm chất lượng thật. Không may một cá nhân hay một nhà phát triển độc lập còn non trẻ bị ai đó làm giả game, thì đó rất có thể trở thành cú "knock out" kết thúc sự nghiệp phát triển giải trí ảo ngay khi mới chập chững bước đầu.

    Game PC/Console từ chối lên Mobile - Google Play không phải là ngoại lệ

    Trên thực tế, sự việc này còn trở nên trầm trọng hơn đối với Google Play vì kho tải này còn có hệ thống kiểm duyệt lỏng lẻo hơn nhiều so với App Store. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc người Android ít tiêu tiền vào ứng dụng hơn so với iOS. Ví dụ điển hình cho yếu điểm của kho tải Google Play trong vấn đề này chính là trường hợp giữa Threes và 2048, một sự việc thực sự trớ trêu khi game clone còn nổi danh hơn cả game thật.

    [​IMG]


    Nhưng dù sao Game Clone chí ít còn cho người chơi một giá trị tương tự với game thật nếu người dùng không may tải về, vì cơ bản chúng sao chép ý nguyên "hàng chính chủ". Nhưng còn với game fake, tất cả mục đích của chúng là lừa đảo tiền game thủ, với chất lượng và hình ảnh bên ngoài khác xa nhau hoàn toàn.

    Trên tất cả, toàn bộ những bất cập này còn nảy sinh ra một vấn đề khác. Đó là khi các nhà phát hành game PC/Console không còn mặn mà với việc đưa game của mình lên một nền tảng thiếu an ninh. Họ sẽ tự hỏi liệu doanh thu ra sao khi có một tá hiểm họa ngoài kia sẵn sàng làm nhái, làm giả tựa game của mình với cái giá thấp hơn nhằm lôi kéo những người dùng cả tin.

    Nếu tình trạng này còn xảy ra trong tương lai thì game thủ Mobile chắc chắn sẽ không còn cơ hội thưởng thức những siêu phẩm đình đám trên PC/Console, khiến di động trở thành một "điểm đen" hơn là một vùng đất hứa hẹn cho các nhà phát triển game. Tất cả chỉ có thể chặn đứng một khi Apple và Google trở nên mạnh tay và sâu sát hơn với tình hình thực thế, chứ không hoạt động một cách máy móc như hiện nay.​



Share This Page

Tin mới nhất