Hành trình phát triển Black Myth: Wukong - Quả ngọt từ nuối tiếc và chông gai

Dương Thị Lan
  1. “Bao giờ Trung Quốc sản xuất được 1 tựa game AAA?” là câu hỏi còn bỏ ngỏ trong suốt nhiều năm qua và nay, câu trả lời cuối cùng đã có.

    Cách đây 4 năm, trailer đầu tiên của Black Myth: Wukong được tung ra đã khiến toàn bộ ngành công nghiệp game Trung Quốc dậy sóng, thậm chí nhiều người chưa từng chơi game cũng ít nhiều nghe đến cái tên này. Cộng đồng game thủ thì khỏi cần nói, họ kỳ vọng đây sẽ là trò chơi đáp ứng đủ tiêu chí để trở thành bom tấn AAA đầu tiên của Trung Quốc.

    Hành trình đầy nuối tiếc ở Tencent

    Sau màn ra mắt, Game Science, cha đẻ của Black Myth, thành công lọt vào mắt xanh của công chúng. Những bí ẩn về một công ty hiếm khi xuất hiện trước truyền thông khiến nhiều người không khỏi tò mò suy đoán.

    Trở lại năm 2008, thời điểm Tencent bắt đầu kiếm được lợi nhuận từ mảng game, đã quyết định đầu tư nguồn lực để tập trung cho các sản phẩm tự phát triển. Công ty thành lập 8 studio game, trong đó có Quantum Studio. Phùng Ký và Dương Kỳ, hai đồng sáng lập của Game Science, lúc đó làm việc tại studio này. Họ đảm nhận vai trò chính trong dự án ASURA (斗战神) từ năm 2009, trong đó Phùng Ký là nhà sản xuất và Dương Kỳ phụ trách mảng thiết kế. Kế hoạch phát triển ASURA lúc bấy giờ rất tiềm năng, mục tiêu của Phùng Ký là bắt kịp World of Warcraft và tạo ra một tựa game hoành tráng mang đậm văn hóa phương Đông.

    [​IMG]
    Dương Kỳ và Phùng Ký từng phụ trách dự án ASURA của Tencent


    Tencent khi ấy dù đã thu về khoản tiền lớn từ game nhưng vẫn thiếu những sản phẩm tự phát triển chất lượng. Ban lãnh đạo đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này, họ đã chờ đợi hơn 4 năm và đầu tư rất nhiều tiền vào đội ngũ. Chỉ riêng một video quảng cáo cũng có thể tiêu tốn hàng chục triệu nhân dân tệ. Tencent thậm chí còn không đặt ra KPI nghiêm ngặt cho cả nhóm mà chỉ muốn họ tập trung vào chất lượng, mục tiêu tạo ra một sản phẩm mang lại danh tiếng.

    ASURA thành công thu hút sự chú ý trong giai đoạn đầu ra mắt nhưng không tránh khỏi một số vấn đề nảy sinh sau đó. Thuộc thể loại MMORPG, ASURA yêu cầu liên tục cập nhật nội dung mới - việc rõ ràng không phù hợp với phong cách làm việc của một studio vốn không phải chịu sức ép về KPI. Điều này cũng khiến chất lượng các phiên bản tiếp theo không ổn định, lượng người dùng liên tục giảm xuống. Như đã nói, trò chơi này được phát triển vốn không nhằm mục đích lợi nhuận, mục đích là mang đến tên tuổi nên sự sa sút này đã khiến đội ngũ dự án gặp phải áp lực nội bộ vô cùng lớn.

    Cuối cùng, khi Tencent tái cấu trúc studio năm 2014, Quantum Studio và Lightspeed Studio đã hợp nhất thành Lightspeed Studios, Phùng Ký và Dương Kỳ chọn nghỉ việc để bắt đầu khởi nghiệp. ASURA sau đó nhanh chóng bị lãng quên, trở thành nỗi tiếc nuối khó quên của cả hai.

    Thứ để lại là kinh nghiệm

    Mặc dù ASURA không đạt được kỳ vọng nhưng đã mang lại rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho đội ngũ phát triển trò chơi. Một số người trong nhóm dự án ban đầu tiếp tục ở lại Tencent, một số rời bỏ ngành công nghiệp game, trong khi đó, tại một văn phòng rộng 300 mét vuông ở Thâm Quyến, Phùng Ký, Dương Kỳ cùng cộng sự đã bắt đầu hành trình khởi nghiệp với Game Science.

    Mục tiêu của nhóm là tạo ra những trò chơi độc lập xuất sắc, nhưng họ cần kiếm tiền để giải bài toán kinh tế trước tiên. Làm game di động là cách lý tưởng nhất lúc đó và trong ba năm tiếp theo, Game Science đã cho ra mắt hai tựa game: 100 Heroes và Art of War: Red Tides. Là tựa game đầu tay, 100 Heroes không thành công như mong đợi vì còn mắc nhiều lỗi. Tuy nhiên đến Art of War: Red Tides thì tình hình đã khác. Chất lượng và lối chơi mới lạ đã giúp game nhận được đề xuất tại hơn 154 quốc gia trong Apple App Store.

    Nhìn thấy tiềm năng, nhà phát hành Hero Entertainment đã quyết định đầu tư 60 triệu nhân dân tệ vào Game Science năm 2017 để đối lấy 20% cổ phần (năm 2022, công ty đã chuyển nhượng số cổ phần này với giá 480 triệu nhân dân tệ). Thời điểm đó, ngành công nghiệp game Trung Quốc có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng di động. Game Science có thể nói đã bắt kịp xu thế này, họ vốn dĩ có thể tiếp tục con đường phát triển game di động để kiếm bộn tiền nhưng sơ tâm thuở ban đầu là tạo ra những trò chơi độc lập xuất sắc vẫn còn đó, họ không muốn từ bỏ. Vì vậy, năm 2018, Game Science đã thành lập một nhóm dự án độc lập ở Thâm Quyến và chuyển đến Hàng Châu sau đó. Lúc này, Black Myth: Wukong đã bước vào quá trình phát triển chính thức.

    [​IMG]


    Khó khăn chồng chất khó khăn

    Khó khăn đầu tiên phải đối mặt khi bắt tay vào làm một trò chơi độc lập là: Chủ đề. Khi dự án mới được thành lập, các thành viên đã cân nhắc rất nhiều chủ đề khác nhau, nhưng sau khi trò chuyện, họ nhận ra Tây Du Ký vẫn là thứ gì đó mang đến nhiều cảm xúc nhất. Ngoài ra, nhóm phát triển cũng chủ động tiếp xúc với các siêu phẩm như Dark Souls 3 và Sekiro để làm quen với thể loại soulslike.

    Thách thức tiếp theo là về mặt công nghệ. Trước đây, các sản phẩm của Game Science chủ yếu được phát triển dựa trên Cocos và Unity. Đây đều là các công cụ không quá phức tạp, phù hợp với nhu cầu của những công ty khởi nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng vì mục tiêu là phát triển một tựa game độc lập, thứ có thể sánh ngang với các bom tấn triple-A khác nên Black Myth: Wukong cần đảm bảo sức cạnh tranh về mặt đồ họa và Unreal Engine gần như là lựa chọn duy nhất. Cái giá phải trả cho sự lựa chọn này là toàn bộ nhóm phải học cách dùng Unreal Engine. Không chỉ đội ngũ kỹ thuật mà cả Phùng Ký và Dương Kỳ cũng cần phải học lại từ đầu.

    Một vấn đề nan giải khác là thiếu nhân lực. Theo kế hoạch ban đầu, cứ hai tuần thì sẽ phải hoàn thành một thiết kế quái vật nhưng khi bắt tay vào làm thì quả thật thực tế khó mà đáp ứng được mong đợi. Suy cho cùng, việc sử dụng một công cụ hoàn toàn mới gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình phát triển, delay là điều không thể tránh khỏi. Trước tình hình này, Game Science cuối cùng quyết định tung Trailer để tuyển người.

    Vào 20/8/2020, Trailer đầu tiên của Black Myth: Wukong được tiết lộ đã khiến cả ngành game thế giới xôn xao. Sự thành công của Trailer vượt ngoài sức tưởng tượng, danh tiếng của Hắc Thần Thoại lên như diều gặp gió, hình ảnh liên quan đến game phủ kín nhiều trang mạng xã hội. Đây là thành tựu mà trước đó không một tựa game nào ở Trung Quốc làm được.


    Trailer đầu tiên của Black Myth: Wukong


    Như đã nói, mục đích tung Trailer là để tuyển người nên chỉ trong vòng 1-2 ngày sau, hơn 100.000 bản CV được gửi đến mail tuyển dụng của công ty. Đối mặt với thành công không tưởng này, ngay cả những nhân viên kỳ cựu như Phùng Ký và Dương Kỳ cũng không kiềm chế được sự phấn khích của mình chứ đừng nói đến đội ngũ trẻ. Lo ngại những lời khen ngợi quá lớn từ bên ngoài sẽ làm mất cân bằng tâm lý của cả đội, Phùng Ký nhanh chóng tổ chức họp nội bộ, yêu cầu mọi người cần giữ bình tĩnh và duy trì cường độ làm việc như bình thường.

    Ngày đó, vô số người đến xin việc, tìm kiếm đầu tư, thảo luận hợp tác, xin phỏng vấn,... điều này ở mức độ nào đó đã ảnh hưởng đến công việc của cả nhóm, thậm chí họ phải kéo kín rèm che trong văn phòng để ngăn nhìn trộm. Mục đích ban đầu của việc phát hành Trailer là nâng cao danh tiếng studio để chiêu mộ nhân tài nhưng Game Science cũng như Black Myth: Wukong không ngờ mình có thể bất ngờ vụt sáng trở thành cái tên huyền thoại trong ngành.

    Từ chối trở thành huyền thoại

    Kể từ khi đoạn Trailer được lan truyền, một số cư dân mạng bắt đầu vẽ nên một câu chuyện mà ở đó đội ngũ phát triển được ca ngợi như những người hùng của ngành game Trung Quốc, sẵn sàng đối mặt khó khăn để theo đuổi ước mơ. Bản thân Phùng Ký lại không nghĩ vậy, anh cảm thấy toàn bộ đội ngũ đều rất vui vẻ. Mọi người chỉ đơn giản đang tạo ra một sản phẩm, thứ có thể phát huy được năng lực của họ đồng thời có thể kiếm được tiền mà thôi.

    Từ 2020, Game Science thường xuyên tung ra trailer mới vào ngày 20/8 hàng năm để cộng đồng nắm được tiến độ phát triển. Rất nhiều suy đoán về nguyên nhân tại sao studio lại chọn thời điểm này bởi xét cho cùng, những năm gần đây, việc cố tình úp mở cũng là một cách nhiều công ty game áp dụng để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, Phùng Ký đã chia sẻ thẳng thắn rằng, ban đầu nhóm muốn phát hành vào cuối tháng 7 nhưng vì trùng với lịch của ChinaJoy nên đổi thành tháng 8.

    Thực tế, nhiều hãng game trên thị trường đã quen với việc chi số tiền khủng để quảng bá sản phẩm của mình. Đặc biệt với một tựa game đang tạo được hiệu ứng ban đầu tốt như Black Myth, việc đầu tư mạnh vào marketing là điều dễ hiểu, tuy nhiên Game Science lại không làm vậy. Đội ngũ phát triển thậm chí lo lắng sự kỳ vọng quá cao của cộng đồng sẽ khiến mọi người không thể trải nghiệm sản phẩm này một cách khách quan. Hy vọng nhiều thì thất vọng nhiều mà, được trông đợi quá tạo ra áp lực cực lớn cho các công ty khởi nghiệp. Bởi vậy, tại sự kiện Gamescom năm ngoái ở Đức, Game Science hết sức bày tỏ mong muốn giới truyền thông và người chơi sẽ đưa ra nhiều góp ý sau khi chơi thử, đây rõ ràng là một cách để hạ thấp kỳ vọng của công chúng.


    Trailer Black Myth: Wukong tại sự kiện Gamescom ở Đức năm ngoái


    Cây cao đón gió lớn, nổi tiếng đi kèm tranh cãi

    Sau khi Tencent tuyên bố đầu tư và hỗ trợ mảng kỹ thuật cho Hắc Thần Thoại vào năm 2021, nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện. Một số không tin tưởng vào chiến lược làm game của Tencent, lo lắng Black Myth: Wukong rồi cũng chỉ trở thành công cụ kiếm tiền. Phải đến khi chính Phùng Ký lên tiếng phản hồi về vấn đề này thì những chỉ trích mới dần biến mất.

    Theo đó, sau khi Trailer đầu tiên của Black Myth được công bố, Tencent đã nhanh chóng cử người đến trao đổi với Game Science. Phùng Ký ban đầu cũng có nhiều lo ngại nhưng khi Tencent cam kết chỉ cùng Epic hỗ trợ về Unreal Engine chứ không can thiệp vào quá trình phát triển, các quyết định kinh doanh cũng như phát hành dự án thì lời mời hợp tác mới được chấp thuận.

    Game Science đã nâng cấp lên Unreal Engine 5 trong cùng năm, đồng thời cập nhật toàn bộ công cụ phát triển cũng như một lượng lớn nội dung trò chơi. Việc này khiến thời gian phát triển của Black Myth: Wukong kéo dài thêm 1 năm và cuối cùng hoàn thiện vào năm 2024.

    Thế nhưng chuyện chưa dừng ở đó, ngày 19/5 - thời điểm Game Science công bố giá bán của Black Myth cũng đã nổ ra nhiều tranh cãi. Lúc đó, phiên bản tiêu chuẩn cho PC có giá 268 NDT (~940.000 VND), phiên bản vật lý Deluxe và Collection lần lượt là 820 NDT (2,8 triệu VND) và 1.998 NDT (6,9 triệu VND). Dù đây là mức giá khá hợp lý khi so sánh với các trò chơi cùng phân khúc như Dark Souls hay Sekiro nhưng liệu chất lượng game có thực sự xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.​

    Nhiều người lôi Cổ Kiếm Kỳ Đàm 3 ra làm ví dụ khi nó cũng được công nhận là đỉnh cao game độc lập Trung Quốc nhưng cũng chỉ có giá 99 tệ. So sánh thì mức giá 268 tệ của Black Myth thật sự khó chấp nhận. Đây cũng là vấn đề khiến nhóm phát triển lo lắng vì họ biết nhiều người không tiếc tiền cho game mobile nhưng lại rất đắn đo trước những tựa game PC hay console chất lượng. Ngoài ra, những tranh cãi liên quan đến sắc tộc, giới tính và chính trị cũng xôn xao mạng xã hội.

    Trái ngọt


    [​IMG]
    [​IMG]


    Rất may, tất cả những khó khăn hay tranh cãi này đều không cản bước được Game Science. Black Myth: Wukong cuối cùng đã có một màn ra mắt vô cùng thành công vào ngày 20/8/2024. Chưa đầy 24 giờ sau khi phát hành, tựa game đã đạt mốc 2,2 triệu người chơi đồng thời, vượt mặt Palworld (hơn 2,1 triệu người chơi cùng lúc vào thời điểm cao nhất). Game cũng đang nhận được đánh giá cực kỳ tích cực trên Steam, với 96% đánh giá tích cực, 81 điểm trên Metascore và 8,5 điểm trên Metacritic. Có lẽ sau nhiều năm, ngành game Trung Quốc nói chung và Game Science nói riêng đã bước lên một tầm cao mới khi có được một tựa game triple-A của riêng mình.​



Share This Page

Tin mới nhất