Khám phá và đánh giá Sony Xperia XZ

G-Dragon
  1. Siêu phẩm smartphone cao cấp mới nhất của hãng công nghệ Nhật - Sony Xperia XZ được cải thiện nhiều về thiết kế, nâng cấp camera và cấu hình so với chiếc Xperia Z5 cũ.

    Xperia XZ hiện được bán chính hãng ở Việt Nam với giá 15 triệu đồng. Sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá là máy chính hãng lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá tốt hơn nhiều, còn 12,99 triệu đồng.

    Trong dải sản phẩm smartphone của Sony, Xperia XZ hiện được xem là thiết bị cao cấp nhất, là quân bài của Sony để cạnh tranh với các đối thủ như Galaxy S7/S7 Edge của Samsung hay iPhone 7 của Apple. Mặc dù đã khai tử dòng Z, song có thể xem Xperia XZ là hậu duệ của Xperia Z5 và chữ "Z" có trong tên phần nào thể hiện điều đó.

    Xperia XZ duy trì kích cỡ và độ phân giải màn hình của Xperia Z5, cả dung lượng RAM vẫn là 3GB hơi thấp so với những máy Android đầu bảng hiện nay. Tuy vậy, sản phẩm có nhiều nâng cấp và cập nhật mới: thiết kế tinh chỉnh nhiều, vi xử lý Snapdragon 820 cao cấp, camera 23MP quay phim 4K, camera trước 13MP, hỗ trợ cổng USB Type C, cảm biến vân tay, chống bụi nước chuẩn IP68 và loa kép.

    Thiết kế

    Xperia XZ có kích cỡ tương tự Xperia Z5 nhưng dày và nặng hơn (8,1mm và nặng 161g). Nếu so với các smartphone đầu bảng hiện nay thì đây là một smarphone có trọng lượng hơi nặng: Galaxy S7 chỉ có 152g và Xperia Z5 cũng chỉ 154g.

    [​IMG]

    Xperia XZ với thiết kế mang nhiều nét giao thoa giữa dòng Z và X Series
    Về kiểu dáng thiết kế, điện thoại này vẫn duy trì ngôn ngữ thiết kế của dòng Xperia Z cao cấp nhưng được tinh chỉnh để trở nên hoàn thiện và bóng bẩy hơn. Các góc của Xperia XZ bây giờ bo tròn ít hơn song điều thú vị là máy vẫn không bị cấn tay khi cầm. Thay đổi đó kết hợp với những thay đổi về thiết kế mặt trước, các cạnh và chất liệu đã mang đến cho sản phẩm một diện mạo mới mẻ, bóng bẩy, cao cấp và cảm giác cầm dễ chịu.

    [​IMG]

    Phần mặt lưng với điểm nhấn từ chất liệu hợp kim ALKALEIDO
    Toàn bộ thân máy của Xperia XZ được kết hợp của ba loại vật liệu: kính bảo vệ mặt trước, nhựa polycarbone bo khung và tấm kim loại lưng máy được Sony gọi là hợp kim ALKALEIDO. Đây là tên thương quyền một loại hợp kim nhôm đặc biệt của hãng sản xuất thép Nhật Kobe Steel. Khi cầm trên tay, mặt lưng của Xperia XZ cho cảm giác mịn, bám tay và gần với nhựa hơn chứ không lạnh và trơn như kim loại thông thường. Trên phiên bản màu đen tôi sử dụng trong bài đánh giá, mặt lưng vẫn bám vân tay nhưng ít hơn so với những smartphone có mặt lưng kính.

    [​IMG]

    Mặt kính cong 2.5D được gia công rất liền lạc với khung viền
    Phần mặt trước cũng được thay đổi rất hiệu quả: tấm kính màn hình được tràn ra sát tận mép, chỉ có đường chỉ cực mảnh tồn tại giữa tấm kính màn hình với các cạnh. Cả ba chất liệu (kính mặt trước, khung nhựa polycarbone và mặt lưng hợp kim ALKALEIDO) được ghép nối với nhau trơn tru, liền mạch, không có kẽ hỡ hay điểm gì đáng chê. Khung nhựa polycarbone và mặt lưng bằng vật liệu kim loại mới còn giúp cho Xperia XZ không còn cảm giác trơn tay, một hạn chế chung của các máy có thiết kế kim loại.

    [​IMG]

    Các nút bấm đều có độ nảy tốt, dễ thao tác
    Các chi tiết trên mặt trước, mặt sau và các cạnh được bố trí cân đối với độ hoàn thiện cẩn thận, tỉ mỉ. Xperia XZ có loa kép được bố trí đối xứng ở cạnh trên và dưới màn hình, loa phía trên còn kiêm thêm chức năng của loa đàm thoại. Máy sử dụng cổng USB Type-C đang dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trên các sản phẩm cao cấp hiện nay và vẫn duy trì cổng âm thanh 3.5mm.

    [​IMG]

    Cổng USB Type-C phía dưới cạnh đáy
    Một điểm khác biệt của sản phẩm này là cảm biến vân tay được đưa lên nút nguồn ở cạnh phải, giống như trên chiếc Xperia X và Xperia Z5. Ban đầu, tôi nghĩ đây là cách bố trí không hợp lý nhưng đến lúc dùng thực tế một thời gian thì suy nghĩ đó thay đổi. Với 2 vân tay cho ngón cái của tay phải và ngón trỏ của tay trái, cầm máy bằng tay nào thì ngón đặt vân tay của tôi cũng dễ dàng chạm vào phím nguồn và máy lập tức được mở khóa. Vân tay của Xperia XZ là loại vân tay hai chạm, tức là phải bấm nút Home một lần để kích hoạt màn hình thì cảm biến vân tay mới hoạt động. Tuy vậy, tốc độ phản hồi của vân tay rất nhanh, màn hình mở khóa ngay tức thì sau khi bấm vào nút nguồn, gần như chỉ là một chạm vậy.

    [​IMG]

    Cảm biến vân tay được đặt ngay trên phím nguồn, giống với Xperia X hay Xperia Z5
    Xperia XZ có thiết kế chống bụi nước đạt chuẩn IP68, mức cao nhất về chống bụi nước trên các thiết bị di động hiện nay. Khe cắm hai SIM và thẻ nhớ có nắp chống nước, còn các cổng sạc USB Type C và cổng âm thanh được để hở và áp dụng chống nước từ bên trong nên việc chống bụi nước hầu như không ảnh hưởng đến quá trình sử dụng. Tuy nhiên, Sony khuyến cáo người dùng không nên ngâm máy trong nước, tránh nước muối, nước biển và nước chứa clo (nước bể bơi). Chính sách bảo hành của Sony hiện nay cũng không bảo hành cho trường hợp hỏng hóc do dính nước.

    [​IMG]

    Khe SIM và thẻ nhớ có thể dễ dàng tháo lắp mà không cần que chọc

    [​IMG]


    Máy hỗ trợ 2 SIM chuẩn Nano, trong đó có một khay SIM dùng chung cùng với khe cắm thẻ nhớ ngoài
    Nhìn chung, thiết kế là điểm mà Sony đã tạo được nhiều khác biệt trên Xperia XZ. Khi cầm trên tay, máy cho cảm nhận có độ hoàn thiện tốt, bóng bẩy, đẹp và cảm giác cầm cũng dễ chịu hơn so với các thế hệ cũ. Không quá khi nói đây là smartphone có thiết kế đẹp nhất của Sony hiện tại. Tuy vậy, thiết kế của điện thoại này vẫn có một điểm trừ nhỏ là viền màn hình trên và dưới hơi dày.

    [​IMG]

    Viền màn hình trên và dưới vẫn dày, dù các phím điều hướng cơ bản được đưa vào trong màn hình

    Màn hình

    Có vẻ như Sony tin rằng màn hình 5.2 inch và độ phân giải Full-HD là đủ. Hãng này đã duy trì kích cỡ và độ phân giải màn hình này từ đời Xperia Z2 đến nay (ngoại trừ chiếc Xperia Z5 Premium với màn hình tới 4K). Màn hình của Xperia XZ có mật độ điểm ảnh 424 PPI, có thể nói khá chi tiết và đủ dùng với đa số người dùng. Việc nâng độ phân giải lên cao hơn (2K, 4K) không mang lại nhiều cải thiện về độ chi tiết trong sử dụng thực tế trong khi lại là gánh nặng cho vi xử lý, nhất là khi chạy các ứng dụng nặng đồ họa như chơi game, chỉnh sửa ảnh, khiến máy chạy chậm, dễ nóng và hao pin nhiều hơn.

    [​IMG]

    Màn hình 5.2 inch, độ phân giải Full-HD của Xperia XZ vừa đủ để đem lại độ chi tiết và sắc nét tốt
    Khi đo trên thiết bị chuyên dụng, màn hình của điện thoại này thể hiện tốt hầu như mọi khía cạnh, chỉ có độ chính xác màu là lệch khá nhiều. Màu đen hiển thị rất sâu và độ tương phản cao, độ sáng tối đa cũng cao (độ sáng tối đa ở chế độ tự động còn tăng cao nữa khi xem dưới trời nắng). Màu sắc được tinh chỉnh theo hướng tươi tắn và nịnh mắt hơn thực tế khá nhiều. Có vẻ như đây là xu hướng chung của hãng điện thoại hiện nay. Màn hình này cũng có khả năng nhìn ngoài trời tốt và góc nhìn rộng tương đương với các máy cao cấp khác dùng màn hình IPS LCD như iPhone 6s hay HTC 10.

    [​IMG]

    Kết quả đo màn hình Xperia XZ ở chế độ chỉnh tay (với chế độ tự động, độ sáng tối đa sẽ cao hơn đáng kể)

    [​IMG]


    Các màu sắc cơ bản hiển thị lệch khá nhiều, trông tươi tắn và nịnh mắt hơn so với thực tế

    Chất lượng âm thanh

    Tóm lược các điểm cơ bản, có thể thấy XZ có tai nghe đi kèm chất lượng khá, phần mềm âm thanh với giao diện trực quan song không chuyên nghiệp như phần mềm nghe nhạc trên LG V10, loa ngoài stereo với âm lượng nhỏ, chất âm kém hơn so với iPhone 6s và kém xa loa ngoài BoomSound trên các máy của HTC. Thế nhưng, chất lượng âm thanh khi nghe không dây lại rất tốt, kết nối dễ dàng và âm thanh chi tiết, dải âm đầy đủ. Chất âm khi nghe qua tai nghe từ cổng 3.5mm cũng khá ấn tượng, hay hơn iPhone 6s và tương đương với những máy nghe nhạc chuyên dụng tầm giá 2,5 - 3 triệu đồng.

    [​IMG]

    Xperia XZ cho chất lượng âm thanh tốt, tương đương các máy nghe nhạc chuyên dụng từ 2,5 - 3 triệu đồng

    Phần mềm và hiệu năng

    Về phần mềm, Xperia XZ đang chạy trên Android 6.0 và theo nhà sản xuất, phiên bản Android 7 dự kiến sẽ đến với điện thoại này vào cuối năm nay.

    Phần mềm trên XZ không khác biệt gì so với các mẫu dòng X. Sony gần đây có xu hướng giữ nguyên giao diện và tính năng thuần của Google, chỉ đưa vào một số thay đổi ở các ứng dụng đa phương tiện (nghe nhạc, phim và ảnh) và các chế độ tiết kiệm pin được gọi là Stamina. Ngoài các ứng dụng đa phương tiện đặc trưng, Sony cũng cài sẵn vào máy một số ứng dụng riêng quen thuộc trên các sản phẩm Xperia như ứng dụng theo dõi sức khoẻ Lifelog, ứng dụng đọc báo Tin Tức hay ứng dụng What's New gợi ý danh sách các ứng dụng nên dùng. Bạn cũng có thể thay đổi giao diện theme với kho theme miễn phí và cũng có cả theme thu phí.

    [​IMG]

    Xperia XZ sở hữu phần cứng mạnh mẽ, đủ để "gánh" mọi tác vụ nặng nề hiện nay
    Về hiệu năng, Xperia XZ được trang bị vi xử lý Snapdragon 820, 3GB RAM và chỉ có một lựa bộ nhớ trong 64GB (có khe cắm thẻ nhớ ngoài dùng chung với khay SIM thứ hai). Tất nhiên với vi xử lý cao cấp và RAM lớn, máy cho tốc độ và hiệu năng rất mượt mà, khả năng đa nhiệm được tối ưu tốt. Trên các phần mềm đo hiệu năng, Xperia XZ cũng đạt điểm cao ngang ngửa những smartphone cao cấp hiện tại.

    [​IMG]

    Điểm Antutu đo hiệu năng tổng thể của thiết bị

    [​IMG]


    Điểm Geekbench đo hiệu năng xử lý của CPU: đơn lõi và đa lõi

    [​IMG]


    Điểm Manhanttan trên phần mềm GFX Bench đo hiệu năng xử lý đồ hoạ của GPU, On (đo ở độ phân giải của màn hình), Off (đo ở độ phân giải Full HD)

    Thời lượng pin

    Các máy Xperia Z trước đây đều có thời lượng pin tốt. Tuy nhiên, hơi bất ngờ và đáng tiếc là viên pin 2900 mAh của Xperia XZ lại có thời lượng khá đuối khi so với các "đàn anh" và các sản phẩm cạnh tranh khác mặc dù độ phân giải màn hình vẫn là Full-HD. Tôi đã sử dụng máy khoảng 2 tuần và nhận thấy thời lượng pin chỉ đủ dùng trong ngày với nhu cầu trung bình, những hôm sử dụng nhiều chút là phải sạc thêm từ khoảng 3-4h chiều. Khi đo bằng các bài test quen thuộc của VnReview.vn thì máy cũng có thời lượng pin thấp hơn các smartphone cao cấp hiện nay.

    Củ sạc đi kèm của XZ cũng có dòng ra khá thấp chỉ 5V-1.5A, mất gần 3 tiếng để sạc đầy pin từ mức 0% lên 100%.

    [​IMG]

    Củ sạc đi kèm của XZ chỉ có dòng ra 5V - 1.5A

    [​IMG]

    Bài đo thời gian lướt web thực hiện trên mạng Wi-Fi thông qua chương trình giả lập việc sử dụng trong thực tế, tự động mở lần lượt và lặp lại 3 trang web phổ thông, giả lập thao tác cuộn trang để tính thời lượng pin từ 100% đến 10% với độ sáng màn hình 70%.

    [​IMG]


    Xem bộ phim HD offline trên phần mềm MX Player, chạy lặp và tính thời gian từ lúc pin đầy 100% đến khi còn 10%. Độ sáng và âm lượng đặt ở mức khoảng 70%.

    [​IMG]


    Chơi game offline giả lập trên phần mềm GFX Bench với độ sáng màn hình khoảng 70% cũng tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10% thì dừng.

    Camera 

    [​IMG]



    Camera phía sau của XZ có một đèn flash trợ sáng và cặp cảm biến: một cảm biến laser để lấy nét và một cảm biến đo màu sắc để điều chỉnh cân bằng trắng
    Camera là chi tiết cực kì đáng lưu tâm trên XZ, độ phân giải rất lớn tới 23MP đã trở thành truyền thống của Sony, khẩu độ f/2.0, kích thước cảm biến lớn tới 1/2.3", trang bị rất nhiều cảm biến như dự đoán đối tượng di chuyển để bắt nét chuẩn, lấy nét bằng laser kết hợp lấy nét theo pha, một cảm biến môi trường RGBC-IR để tự động cân bằng màu sắc và ánh sáng hợp lý, khả năng chống rung 5 trục điện tử EIS....Camera trước cũng có độ phân giải tới 13MP, khẩu độ f/2.0, cảm biến kích thước lớn 1/3".

    [​IMG]

    Với XZ, Sony cũng đã mở cửa hơn cho người dùng khi trang bị chế độ chỉnh tay với khả năng phơi sáng tối đa 1 giây, lấy nét bằng tay. Tuy vậy, cơ chế đo sáng của XZ dễ gây hiểu lầm. Máy chỉ đo sáng khi bạn nhấn nửa phím chụp ảnh cứng hoặc sau khi bấm vào phím ảo trên màn hình. Nếu chỉ chạm vào màn hình, mặc định XZ sẽ không đo sáng mà chỉ lấy nét.

    Camera trên XZ cũng hoạt động thiếu ổn định, đôi khi bị treo, đơ, phải khởi động lại máy mới có thể sử dụng. Rất nhiều lần, XZ còn hiện cảnh báo về việc nhiệt độ của máy quá cao nên một số tính năng máy ảnh sẽ phải tạm tắt để giảm nhiệt.

    [​IMG]

    Cảnh bảo về việc thiết bị đang quá nhiệt trên XZ và một số tính của máy ảnh sẽ phải tạm tắt
    Chất lượng ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng của Xperia XZ rất tốt. Ảnh cho ra với độ nét và chi tiết cao, màu sắc tươi tắn, độ tương phản tốt, dải sáng rộng. Dù vậy, độ nét trên ảnh của XZ đôi khi có phần hơi quá đà và khiến ảnh bị rạn, vỡ hạt khi phóng lớn. XZ cũng cho tốc độ lấy nét nhanh, nhưng tốc độ lưu ảnh lại hơi chậm khi chụp ở độ phân giải cao nhất. Chế độ HDR cũng bị giấu khá sâu trong menu và chỉ có ở chế độ thủ công.

    Một số ảnh chụp từ camera chính 23MP của Xperia XZ (Bấm vào ảnh để xem ảnh gốc)

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Trong điều kiện thiếu sáng, ảnh chụp của XZ ở mức khá, độ sáng cao, nhưng nhiễu hạt khá nặng, chi tiết và độ sắc nét cũng bị mất đi nhiều, cân bằng trắng không còn chính xác, thường ám vàng.

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    Camera trước 13MP của Xperia XZ cho chất lượng ảnh selfie tốt, chế độ làm mịn da cũng làm việc hiệu quả, giúp che bớt các khuyết điểm trên gương mặt mà không gây ảnh hưởng quá nhiều đến chất

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    Kết luận

    Xperia XZ đã có những cải tiến ở gần như mọi khía cạnh so với các thế hệ Xperia Z cũ và không ngần ngại khi cho rằng đây là smartphone tốt nhất của Sony hiện nay. Thiết kế vẫn giữ các chất riêng của Sony nhưng đã trở nên hoàn thiện, bóng bẩy hơn và cảm giác cầm dễ chịu nhờ sự kết hợp của khung nhựa polycarbonate và mặt lưng bằng kim loại ALKALEIDO mới. Bên cạnh những nâng cấp thường lệ về hiệu năng thì chất lượng màn hình của Xperia XZ đã tốt hơn hẳn với màu sắc tươi tắn, góc nhìn rộng và khả năng nhìn ngoài trời rõ ràng. Phần âm thanh cắm qua tai nghe có sự cân bằng giữa các dải và chất âm mượt mà, dễ nghe, chỉ tiếc là loa ngoài chưa được tốt.

    Sony cũng rất chú trọng cho yếu tố camera khi đưa thêm cảm biến điều chỉnh nhiệt màu để cải thiện khả năng cân bằng trắng. Tuy nhiên, lại một lần nữa, hãng này không gây được sự ấn tượng ở chất lượng camera. Chất lượng camera của Xperia XZ không tồi, có thể nói là tốt hơn các đời Xperia Z cũ nhưng vẫn thua kém nhiều so với các đối thủ cạnh tranh như iPhone 7/7 Plus hay Galaxy S7, đặc biệt là khi chụp thiếu sáng. Không hiểu sao Sony là nhà cung cấp cảm biến cho camera smartphone lớn nhất thế giới hiện nay lại không thể tạo ra cho mình một chiếc smartphone có camera tốt bằng hoặc hơn các đối thủ đang sử dụng chính cảm biến camera của hãng này.

    Ngoài yếu tố camera, thời lượng pin chỉ ở mức trung bình cũng là điểm bất ngờ. Nói cách khác, Sony cần nhiều nỗ lực hơn nữa để có sản phẩm toàn diện, đủ để cạnh tranh ngang ngửa với những smartphone đầu bảng hiện nay của Samsung và Apple.

    Theo VNREVIEW


Share This Page

Tin mới nhất