Màn hình vàng có thực sự giúp chúng ta dễ ngủ hơn?

Emily
  1. Một trong những tính năng đáng chú ý nhất ở bản cập nhật iOS 9.3 mà Apple phát hành tuần trước là ‘Night Shift', tính năng khiến màn hình chuyển sang màu vàng để giảm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người dùng.

    Khi bật tính năng này trong phần cài đặt hiển thị, màn hình sẽ chuyển sang tông màu vàng thay vì ngả màu xanh dương như bình thường. Người dùng cũng có thể điều chỉnh thời gian bật/tắt Night Shift và mức độ chuyển màu của màn hình.

    [​IMG]


    Apple mô tả tính năng này giúp cho người dùng dễ ngủ hơn nếu như sử dụng smartphone/tablet vào đêm khuya. Đây cũng là tính năng đã từng có trên máy tính hay hệ điều hành Android, nhưng việc Apple tích hợp thẳng Night Shift vào iOS sẽ khiến nó phổ biến hơn. Vậy liệu màn hình chuyển vàng có thực sự giúp ta dễ ngủ hơn?

    Trước tiên, hãy tìm hiểu một chút về ánh sáng. Có rất nhiều loại ánh sáng và không phải loại nào chúng ta cũng nhìn thấy được (thực chất dải ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy được là rất hẹp). Trong dải nhìn được, ánh sáng xanh là loại có bước sóng ngắn và gần với bước xong của tia tử ngoại (UV). Ánh sáng nhân tạo (các loại đèn) có màu sắc khác nhau ở bước sóng, nhưng chúng ta sẽ chủ yếu quan tâm đến ánh sáng xanh.

    [​IMG]
    Night Shift trên 9.3 cho phép người dùng hẹn giờ bật tắt chế độ chuyển màn hình sang màu vàng hoặc bật ngay lập tức, và có thể điều chỉnh độ chuyển màu


    Các nghiên cứu đã chỉ ra ánh sáng xanh có ảnh hưởng tới đồng hồ sinh học. Đối với nhiều người, một "ngày" kéo dài tới 24,2 giờ chứ không phải 24 giờ, do đó họ có thể chịu đựng được khi thức khuya. Cơ thể chúng ta phản ứng rất mạnh với ánh sáng từ mặt trời, và thời chưa có điện thì ánh sáng mặt trời là thứ giúp cơ thể điều chỉnh thời gian thức/ngủ. Ánh sáng xanh thì có tác động tới một hóc-môn có tên Melatonin, là hóc-môn ảnh hưởng tới giấc ngủ.

    Raj Dasgupta, chuyên gia về giấc ngủ tại đại học Nam California (Mỹ) cho biết mọi loại ánh sáng đều có tác động làm kìm hãm sản sinh melatonin, nhưng ánh sáng xanh có tác động mạnh hơn cả. Việc điều trị bằng ánh sáng – cho cơ thể tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban ngày và không tiếp xúc ban đêm có thể giúp giấc ngủ trở lại bình thường. Trong khi đó hầu hết người dùng smartphone đang làm ngược lại, và điều đó ảnh hưởng tới giấc ngủ. Như vậy chế độ Night Shift giúp giảm ánh sáng xanh dẫn tới giúp chúng ta ngủ dễ hơn.

    Ngoài giấc ngủ, ánh sáng xanh còn tác động tới mắt, khiến mắt chúng ta nhanh mỏi và khô. Do vậy việc chuyển màn hình sang tông màu vàng còn giúp giảm các tác động tiêu cực đến mắt, nhất là khi sử dụng vào buổi tối.

    Tất nhiên, tác động của Night Shift đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta không thể khẳng định khi bật tính năng này thì các bước sóng ánh sáng nào sẽ giảm bớt đi, do đó không kết luận được hiệu quả của Night Shift đến mức nào. Bên cạnh đó, việc Apple cho phép điều chỉnh mức độ màu vàng khi hiển thị cũng có thể làm giảm ảnh hưởng của tính năng này. Một số người dùng không quen nhìn màn hình vàng có thể điều chỉnh xuống mức thấp nhất, qua đó khiến cho Night Shift gần như vô dụng.

    Tất nhiên ánh sáng xanh không phải nguyên nhân duy nhất khiến chúng ta mất ngủ hay mỏi mắt. Khi não bị kích thích hoặc quá căng thẳng, ví dụ như khi vừa cãi nhau với người khác hoặc đang bị áp lực công việc thì chúng ta cũng khó ngủ hơn. Nếu bạn bật Night Shift để soạn một email trả lời sếp thì tính năng này chẳng giúp ích được mấy. Việc nhìn vào một chủ thể ở gần trong khoảng thời gian dài cũng khiến mắt mỏi và có thể gây cận, và Night Shift cũng chẳng giúp ích gì trong việc này.

    Cả ba chuyên gia mà The Verge dẫn lời đều đồng ý một điều: dù Night Shift có thể tác động tích cực, sử dụng nó không đồng nghĩa bạn sẽ được đảm bảo một giấc ngủ ngon. Cách tốt nhất để có giấc ngủ chất lượng là đừng dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ.

    Theo VnReview


Share This Page

Tin mới nhất