Những dấu hiệu cho thấy bạn là một game thủ RPG "Hardcore"

Hard
  1. Hãy cùng xem những yếu tố nào sẽ nói lên bạn là một fan hâm mộ hạng nặng của dòng game nhập vai.

    Không thể phủ nhận game nhập vai - RPG là một trong những trường phái được yêu thích hàng nhất thế giới ảo, với vô số đại diện đứng mãi mãi như là huyền thoại của làng game thế giới. Chính vì thế, cộng đồng game thủ RPG luôn chiếm một số lượng đông đảo, từ những người yêu thích lối chặt chém điên cuồng như Darkness Reborn, Dungeon Hunter... sự tính toán và điều phối tổ đội trong Final Fantasy, Dragon Quest.. cho tới bộ phận đam mê hướng đi truyền thống cùng Star Wars: Knights of the Old Republic hay Ravensword: Shadowlands.

    Những game thủ nhập vai hạng nặng là những con người có thể đầu tư tâm sức vào từng chỉ số nhân vật, từng câu từ hội thoại hay chiều dài cốt truyện phức tạp mang vô số tình tiết. Mong muốn tìm kiếm dấu hiệu để nhận biết những game thủ "Hardcore" này?.. Bạn đọc chỉ có thể tìm thấy bên dưới..


    Hy sinh cả tiếng đồng hồ để quay trở về tạo lại nhân vật

    Hệ thống tinh chỉnh ngoại hình hay lựa chọn lớp nhân vật luôn là nét chính yếu mà không tựa game nhập vai nào có thể thiếu. Nhiều game thủ ít nhận thấy rằng đây là giai đoạn tiêu tốn rất nhiều thời gian, khiến chúng ta luôn phải đắn đo đến từng tiểu tiết trong ngoại hình, soi xét đến từng kiểu tóc, ánh mắt, trang phục, tất cả chỉ để tạo nên một vị anh hùng độc nhất, người sẽ song hành cùng bạn xuyên suốt chiều dài game.

    [​IMG]
    Tựa game Ravensword: Shadowlands cho phép bạn tùy chỉnh hình dáng nhaann vật khá chi tiết.

    Nhưng không ít lần, sau khi đã tiêu tốn cả tiếng đồng hồ chỉ để tinh chỉnh ngoại hình và lựa chọn lớp nhân vật, cùng với đó là vô số giờ chơi và một tá điểm kinh nghiệm, bạn bỗng thấy vị anh hùng của mình dường như thiếu thốt ít nhiều chiều cao, kiểu tóc dài nom chẳng hợp với chiếc mũ mới hay thậm chí chỉ là chiếc mũi quá cao quá vẻ ngạo mạn. Một game thủ nhập vai Hardcore làm gì khi gặp trường hợp đó? Họ quay ngoắt 180 độ, trở về đầu game và tạo dựng nhân vật của mình hoàn toàn từ ban đầu. Họ làm vậy với khuôn mặt lạnh băng, như thể quyết định là điều quá hiển nhiên. Không e ngại, không bàn cãi, không suy nghĩ lần hai, không hối hận hay luyến tiếc, họ ném tất cả những gì mình vừa có chỉ để một tiểu tiết nào đó phải hoàn hảo 100%..


    Chơi đi chơi màn đấu Boss với hy vọng có đồ tốt hơn

    Đấu trùm/boss đối game thủ nhập vai là gì? Là những giờ phút toát mồ hôi, là những trường đoạn chiến đấu căng thẳng đền đáp bởi hàng hà xa số điểm kinh nghiệm và những món đồ độc nhất vô nhị với chỉ số sát thương, yếu tố phụ vượt tầm.. Nhưng cơ hội giành được món quà giá trị sau những trận chiến trường kỳ và khó khăn không phải lúc nào cũng được như ý, đơn giản vì thuật toán rớt đồ mà nhà phát triển cấy vào luôn có những khoảng trống nhằm tạo sự khác biệt giữa những lần chơi và những game thủ khác nhau.

    [​IMG]
    The World II: Hunting Boss với những siêu trùm hùng mạnh.

    Và một khi cảm thấy công sức mình bỏ ra chẳng bõ bèn với vài ba thanh kiếm, giáp trụ, mũ nón tầm thường, game thủ Hardcore sẽ không cam lòng mà ngồi im. Khi nhìn thấy bất cứ cơ hội nào, họ sẽ lập tức trở lại trận thư hùng để đối mặt với con trùm hùng mạnh, dù đồng nghĩa với việc phải sống lại cơn ác mộng thêm một lần nữa. Họ làm vậy với hy vọng trong tâm trí, biết đâu lần này sẽ được món đồ tốt hơn.. bằng không, thử lại vài lần chắc vẫn bõ sức lực.


    Lục tung ngóc ngách để giao tiếp với NPC

    Đa số những tựa game nhập vai hành động đều thông qua hệ thống nhân vật NPC (Non-Playable Character) nhằm chuyển tải tình tiết cốt truyện, mà điển hình nhất là Diablo và những tựa game theo chân học tập sau này. Đối với một người chơi đơn giản, chỉ đến với game nhằm trải nghiệm những trường đoạn hành động đơn thuần, số NPC này sẽ hoàn toàn bị bỏ qua.

    [​IMG]
    Hội thoại là một phần không thể thiếu trong Chaos Rings 2.

    Nhưng đối với những game thủ gắn bó lâu năm với dòng game nhập vai, những game thủ thật sự nhập tâm vào thế giới ảo mà nhà phát triển gây dựng, họ sẽ lục tung từng ngóc ngách, nhào tới từng con người mà họ thấy trước mắt chỉ để.. nói chuyện, nói tới khi nào họ biết rõ lý do tại sao nhân vật đó lưu lạc tới nơi đây, đọc tới từng dòng chữ chỉ để thấy những mẩu chuyện dù về cuộc sống, quá khứ, thân thích của người mình vừa gặp. Và dù chỉ bỏ lỡ một đoạn hội thoại rất, rất nhỏ trước khi qua bàn mới hoặc kết thúc game thôi, họ sẽ lưu lại cảm giác luyến tiếc như thể vuột mất một thần binh kỳ khí nào khỏi tay.


    Chưa nghỉ khi bản đồ vẫn còn góc khuất

    "Fog of War" là thuật ngữ dùng để chỉ bức màn đen đặc bao phủ những khu vực mà game thủ chưa đi tới trên bản đồ. Hệ thống này thực tế xuất hiện đầu tiên trong những tựa game chiến thuật, nhưng dần dà trở thành trợ tá đắc lực trong các sản phẩm nhập vai và nhiều thể loại game khác. Lợi ích mà Fog of War mang lại hẳn nhiên là vô cùng lớn, với việc giúp người chơi xác định nhưng nơi mình đã qua mà không tiêu tốn thời gian trở lại. Nhưng đồng thời đây cũng là một yếu tố "ám ảnh" với một bộ phận không nhỏ game thủ nhập vai.

    [​IMG]

    Ở đó, những người chơi cầu toàn mong muốn mở khóa và hoàn thành tất thảy nội dung của game sẽ lật tung từng mét đất, từng khu vực còn đang ẩn mình dưới tấm màn đen như trêu ngươi trước mắt mình. Đó là lý do tại sao người viết nói tới từ "ám ảnh", bởi ngay cả khi lý trí mách bảo rằng nơi đó chỉ là một mô đất đơn thuần hay rìa mép vô hồn của một bản đồ rộng lớn, những game thủ này vẫn cứ miệt mài cần mẫn mà bước tới, rồi khi không kiếm tìm thấy gì lại lẳng lặng bỏ đi như thể đó là một luật bất thành văn, một thủ tục tiên quyết cần phải thực hiện. Mọi người nhìn vào có thể cho là họ muốn "giết nhầm còn hơn bỏ sót", nhưng nhiều khi chính bản thân họ cũng chẳng biết tại sao mình làm vậy..


    Lấy tất! Lấy hết!

    Game thủ nhập vai có nhiều "đức tính", nhưng trên tất thảy là sự bền bỉ, chăm chỉ trong việc lượm đồ. Đối với những tựa ARPG, những món đồ mà người chơi có thể đặt tay đều xoay quanh số trang bị liền thân với nhân vật chính. Nhưng với những đại diện nhập vai truyền thống, những thứ mà bạn có thể bỏ vào chiếc túi thần Doraemon, còn mang vô số dạng thể khác nhau.. trải dài từ những chiếc thìa, chiếc bát, những mẩu giấy, cuốn sách cho tới ty tỷ món đồ chẳng có chức năng gì hơn ngoài việc vô hồn nằm yên.

    [​IMG]

    Nhưng đối với những game thủ cầu toàn (dường như cầu toàn là ngọn nguồn của tất cả những "đức tính nói trên), không gì có thể vượt qua được ánh mắt và tầm với bàn tay nếu nó không được dán keo con voi hay đóng đinh xuống đất. Và ngay cả đối với những tựa game không có những vật dụng vô chi vô giác kể trên, thì vẫn còn đó những thanh kiếm "trắng", hay những tấm giáp với Level chỉ đếm trên đầu ngón tay và chỉ số nằm dưới mức trung bình. Một khi nhìn thấy chúng, hẳn nhiên bạn vẫn nhào tới, lấy tất, lấy hết.. Và nếu túi đồ chẳng may chất đầy, vài cuốc đi bộ về làng rồi quay trở lại cũng chẳng hề chi.


    Đập chum thần chưởng

    Rương đồ mục nát, chai lọ bụi bặm hay hòm báu chứa thần binh kỳ khí, đối với game thủ nhập vai.. tất thảy đều như nhau. Chúng tương đồng không phải vì giá trị bên trong, chúng giống nhau vì suy tới cùng, đều không thể thoát khỏi việc bị cạy tung, nát vụn hay bật nắp dưới tay người chơi. Chúng luôn chung một số phận, dù có tọa lạc trên điện thờ lừng lẫy hay nằm ẩn nơi góc tối âm u, dù nhân vật chính có thấy lối ra trước mắt hẳn vẫn sẽ quay lại gặp chúng nơi đoạn cuối cuộc đời.

    [​IMG]
    OceanHorn - Tựa game vay mượn ít nhiều từ Legend of Zelda với hình ảnh đập chum huyền thoại.

    Chúng là một thứ ám ảnh chắc chỉ sau tấm màn đen bản đồ. Bất chấp kinh nghiệm của game thủ mách bảo về giá trị bên trong là thấp hay cao, chúng vẫn sẽ trở thành nạn nhân của một cuộc "tàn sát" không thương tiếc, trở thành đối tượng của những hành động lặp đi lặp lại từ giờ này qua giờ khác, từ game này qua game khác, đập nữa đập mãi, đập tới khi nào chúng biến khỏi màn chơi mới dừng.

    Đó chỉ là một vài đặc điểm nhận dạng những game thủ thuộc vào tầm Hardcore trong làng game nhập vai, hẳn ngoài kia vẫn còn những "cá tính" khác mà chính những game thủ Hardcore cũng khó lý giải, khó để từ bỏ và thậm chí cho đó là hạnh phúc. Nếu bạn hay biết tới những "cá tính" này và thấy bản danh sách vẫn còn thiếu sót, hãy chia sẻ với GameHub bằng bình luận bên dưới.


Share This Page

Tin mới nhất