Outlast và chương trình tẩy não có thật của chính phủ Hoa Kỳ

Dương Thị Lan
  1. Game, đôi khi không hoàn toàn là hư cấu, rất nhiều trong số chúng được lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật ngoài đời.

    The Outlast Trials là phần thứ ba được ra mắt nhưng lại đóng vai trò tiền truyện của loạt series cùng tên. Game lấy bối cảnh năm 1959, thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, nơi người chơi vô tình trở thành chuột bạch để tập đoàn Murkoff thử nghiệm các phương pháp tẩy não và kiểm soát tâm trí con người. Trong một thế giới đầy nghi ngờ, sợ hãi và bạo lực, bạn sẽ bị đẩy vào một loạt các thử thách, dày vò cả thể chất và tinh thần. Ranh giới đạo đức bị xóa nhoà, sự tỉnh táo bị nghiền nát, tất cả đều nhân danh khoa học, tiến bộ và lợi ích quốc gia. Những tưởng những thứ này chỉ có trong game nhưng thực tế, CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) đã từng thực hiện một thí nghiệm tẩy não tương tự.

    [​IMG]


    Đầu tuần tháng 4 năm 1953, thời điểm chiến tranh Triều Tiên sắp kết thúc, tờ New York Times đã công bố một thông tin gây sốc, khẳng định các tù binh Mỹ trở về từ đất nước này rất có thể đã bị “biến chất” bởi “những kẻ tẩy não Cộng sản.” Thời điểm đó, Allen Dulles - giám đốc mới được bổ nhiệm của CIA, trong một buổi họp mặt với các cựu sinh viên Princeton, cũng phát biểu: “Trong vài năm qua, chúng ta đã nghe nhiều về chiến tranh trí tuệ nhưng tôi tự hỏi chúng ta có đang nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này hay không. Liệu chúng ta có biết cuộc chiến trí tuệ đã trở nên khốc liệt như thế nào trong tay Liên Xô hay không?”

    Dulles nói rằng “các kỹ thuật bóp méo não bộ của Liên Xô” hiệu quả nhưng vô cùng “kinh khủng” và “bất chính”. Các tù binh Mỹ trở về từ Triều Tiên liên tục lặp lại lời tuyên truyền của Cộng sản trong nhiều tuần liền và ông không biết liệu họ có bị tiêm chất hóa học, thôi miên hay một thứ gì đó tương tự hay không. Ông khẳng định loại thí nghiệm ép buộc này là đi ngược lại với các giá trị của Mỹ, cũng như quyền con người.

    [​IMG]


    Nỗi sợ bị tẩy não và một cuộc “chiến tranh trí tuệ” kiểu mới đã khiến người dân Mỹ tò mò và khiếp sợ suốt những năm 1950. Nhiều người thậm chí nghĩ rằng Liên Xô không chỉ sử dụng kỹ thuật tẩy não với các tù binh mà với chính người dân của họ. Tại sao có nhiều quốc gia theo đuổi hệ tư tưởng lạc hậu đến vậy? Người Mỹ không có câu trả lời nào phù hợp cho câu trả lời này ngoài việc “tẩy não”.

    Ba ngày sau bài phát biểu chỉ trích chiến thuật của Liên Xô, Dulles đồng ý khởi động MK-Ultra, một chương trình tuyệt mật của CIA, ở đó người ta được phép “bí mật sử dụng các vật liệu sinh học và hóa học.” Các thí nghiệm “kiểm soát tâm trí” của MK-Ultra tập trung vào việc kiểm soát hành vi thông qua các liệu pháp sốc điện, thôi miên, hóa chất và thuốc độc. Đối tượng tham gia là những tình nguyện viên, một trong số đó bị ép buộc, một số thì hoàn toàn không biết chi tiết chương trình. Từ những cậu bé thiểu năng trí tuệ tại các trường học ở tiểu bang, đến những người lính Mỹ và những kẻ mắc chứng “rối loạn tình dục”, MK-Ultra thường nhắm vào những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Ngoài ra, tù nhân cũng là đối tượng cực kỳ lý tưởng, vì họ sẵn sàng tham gia để đổi lấy thời gian giải trí hoặc được giảm án.

    Whitey Bulger, một trùm tội phạm có tổ chức, đã từng chia sẻ về trải nghiệm của mình khi tham gia thí nghiệm của MK-Ultra: “Tám tù nhân trong trạng thái hoảng loạn và hoang tưởng. Hoàn toàn mất cảm giác thèm ăn. Ảo giác. Căn phòng biến dạng. Hàng giờ hoang tưởng và bạo lực. Chúng tôi trải qua khoảng thời gian khủng khiếp với những cơn ác mộng, máu chảy ra từ những bức tường. Con người biến thành những bộ xương trước mắt tôi, chiếc camera trong hình hài con chó. Tôi cảm thấy như mình sắp phát điên.”

    [​IMG]
    Whitey Bulger - một trong những tù nhân tham gia thí nghiệm của MK-Ultra.


    Bulger nói rằng anh ta đã bị tiêm LSD (Lysergic acid diethylamide), một hoạt chất gây ảo giác. Vào cuối những năm 1940, CIA nhận được báo cáo rằng Liên Xô đang nỗ lực sản xuất LSD bằng cách thu mua hóa chất trên thế giới. Theo lời một sĩ quan CIA thì cơ quan này đang “cực kỳ sợ hãi”, bởi họ không có nhiều hiểu biết về loại hoạt chất này. Vào ngày 18 tháng 11 năm 1953, một nhóm gồm 10 nhà khoa học gặp nhau tại một căn nhà nhỏ nằm sâu trong rừng Maryland. Sau những cuộc họp kéo dài, họ đồng ý rằng để hiểu được loại hóa chất này, một cuộc thí nghiệm thực tiễn là điều bắt buộc.

    CIA nhận thức được việc công chúng sẽ phản ứng gay gắt như thế nào nếu biết về sự tồn tại của MK-Ultra nên mọi thông tin đều được giấu kín. Ban đầu, CIA thường tiếp cận các mục tiêu riêng lẻ, hoặc tìm kiếm các tình nguyện viên, đôi bỏ thuốc vào đồ uống của chính những nhân viên CIA. Dần dần, thí nghiệm trở nên phức tạp hơn, khét tiếng nhất phải kể đến Chiến dịch Midnight Climax.

    Năm 1955, tại số 225 Chestnut, San Francisco, CIA đã giao cho George White, trước đó làm việc ở Cục Ma túy Liên bang, đảm nhận nhiệm vụ “trang trí phòng ngủ”. White treo những bức tranh của những vũ công người Pháp trên tường, cắm hoa, treo rèm cửa màu đỏ,... tất cả đều gợi lên sự gợi cảm và quyến rũ. Sau đó, ông ta lắp thiết bị nghe lén, gương hai chiều và thuê gái mại dâm dụ dỗ đàn ông về căn phòng này. Những người đàn ông đến đây sẽ bị tiêm LSD còn White thì tay cầm rượu, ngồi sau gương quan sát mọi thứ diễn ra.

    [​IMG]
    George White thuê gái mại dâm quyến rũ đàn ông, sau đó tiêm LSD cho những người này để quan sát hành vi.


    Các thử nghiệm của CIA với LSD vẫn còn tiếp tục cho đến năm 1963 trước khi John Vance, một thành viên của Tổng thanh tra CIA chỉ ra bản chất vô nhân đạo của dự án. Mặc dù các giám đốc của MK-Ultra đã hết lời thuyết phục nhưng phía Tổng thanh tra vẫn yêu cầu ngay lập tức chấm dứt thử nghiệm với những người bị ép buộc.

    Năm 1977, Quốc hội đã thẩm vấn các cựu nhân viên CIA về cách thức giám sát, cách tuyển tình nguyện viên để quyết định liệu các chương trình này có nên được tiếp tục hay không. Phiên điều trần sau đó đã lật lại một số chi tiết bất lợi, tiêu biểu là vụ tự tử năm 1953 của Tiến sĩ Frank Olson, nhà khoa học đã nhảy khỏi cửa sổ khách sạn vài ngày sau khi vô tình uống phải đồ uống có pha LSD. Tuy nhiên, khi được hỏi, các nhân viên CIA liên tục nói rằng họ “không nhớ” thông tin chi tiết về các dự án thử nghiệm trên người hoặc thậm chí số lượng người đã tham gia.

    Năm 1973, trong bối cảnh ngày càng có nhiều bất lợi, giám đốc của MK-Ultra đã quyết định hủy bỏ dự án. Với lý do đảm bảo danh tính những người tham gia, họ đã tiêu hủy tất cả hồ sơ giấy tờ liên quan đến thí nghiệm và rất nhiều bí mật đã bị chôn vùi kể từ đó.

    [​IMG]


    Chúng ta vẫn nói game là ảo nhưng ranh giới giữa thực và ảo đôi khi lại rất mỏng manh bởi rất nhiều tựa game được xây dựng trên chất liệu đời thực. Khi ấy, game không còn là một câu chuyện hư cấu hoàn toàn mà giống như một bộ phim tài liệu đưa người chơi quay ngược quá khứ để tìm hiểu những sự kiện năm xưa.



Share This Page

Tin mới nhất