Quảng cáo lừa bạn mua smartphone mới theo cách nào? (P.2)

Bomer
  1. Sau khi máy ảnh du lịch ngày một chìm vào dĩ vãng thì cuộc đua "số chấm" lại chuyển sang smartphone. Các nhà sản xuất đua nhau ra mắt những mẫu điện thoại đầu bảng có 8 "chấm", 13 "chấm" và giờ là 20 "chấm".

    Trong phần cuối của loạt bài, hãy cùng nhìn nhận xem màn hình 2K là có lợi hay có hại, và liệu camera 20 MP có thực sự mang lại chất lượng vượt trội so với 16 MP hay không.

    Càng nhiều Megapixel thì chụp ảnh càng nét


    [​IMG]
    Lumia 1020 là "vua chụp ảnh" smartphone không chỉ nhờ có độ phân giải cảm biến 41MP


    Song, như bạn có thể đã biết, số lượng "chấm" không phải là yếu tố duy nhất tương đồng cho chất lượng hình ảnh. Các hãng smartphone (cũng như các hãng sản xuất máy ảnh du lịch) lựa chọn thông số Megapixel để quảng bá chỉ bởi vì đây là một thông số... không quá khó hiểu với người dùng.

    Ví dụ, trong đoạn video quảng cáo phía dưới dành cho HTC One M9, nhà sản xuất smartphone Đài Loan muốn truyền tải tới bạn thông điệp rằng camera 20MP của chiếc One M9 sẽ có thể "thu hết lại tất cả các chi tiết" của khung hình. Dù rằng HTC One M9 thực sự là một trong những chiếc smartphone có chất lượng ảnh chụp đẹp nhất hiện nay, sử dụng con số 20MP làm thông số duy nhất đại diện cho hình ảnh là không chính xác. Trong phần lớn các trường hợp sử dụng, camera 16MP của Galaxy S6 và thậm chí là cả camera 8MP của iPhone 6 cũng đem lại chất lượng hình ảnh không hề kém cạnh.


    Thực tế, câu chuyện về "cuộc đua số chấm" trên máy ảnh compact và smartphone đã không còn quá xa lạ với phần đông người tiêu dùng thông thái. Yếu tố quan trọng nhất quyết định tới chất lượng ảnh chụp là kích cỡ của cảm biến – chiếc Lumia 1020 chiếm được "ngôi vương" của nhiếp ảnh smartphone là bởi cảm biến của máy có kích cỡ rất lớn (khiến cho thân máy phình to và dày hơn tất cả các dòng smartphone đầu bảng khác). Các yếu tố khác như khẩu độ, tốc độ cửa trập cũng không kém phần quan trọng. Thông số Megapixel sẽ chỉ giúp bạn giữ thêm nhiều chi tiết khi in ảnh ra các khung hình cỡ lớn (hoặc khi dùng ảnh làm hình nền cho máy tính) mà thôi.

    Nói tóm lại, số lượng megapixel trên smartphone (hay bất kỳ loại thiết bị chụp ảnh nào khác) đều không đại diện cho chất lượng ảnh. Phần lớn các dòng smartphone hiện nay đều mang lại những bức ảnh đủ tốt cho Facebook, Instagram... Ngược lại, ngay cả Lumia 1020 cũng không thể sánh với máy ảnh DSLR tầm thấp. Nếu muốn có chất lượng ảnh chụp vượt trội hơn, hãy ngừng tin vào quảng cáo camera của smartphone và... chuyển sang xem quảng cáo DSLR.

    Màn hình 1080p, 2k hay 4K?


    Các màn hình di động 2K và 4K cho tới giờ vẫn gây tranh cãi kịch liệt. Khi những chiếc smartphone chuyển từ 480 x 320 pixel lên các mức 720p, bạn có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt trên các chữ cái, trên các chi tiết của hình ảnh... Sau đó, khi màn hình gia tăng kích cỡ và độ phân giải "chuẩn" được nâng đến mức 1080p, người dùng vẫn có thể nhận ra sự khác biệt so với độ phân giải 720p cũ.

    [​IMG]
    Mắt của bạn sẽ không thể phiên bản được mức sắc nét 577PPI của Galaxy S6 và mức 432PPI của S5


    Song, mức khác biệt khi chuyển từ 720p lên 1080p không còn rõ rệt như khi Apple ra mắt màn hình Retina nữa. Với các dòng smartphone có kích cỡ vào khoảng 5 inch, mật độ điểm ảnh/inch (PPI) đã trở nên đủ cao để mắt của bạn không còn khả năng nhận biết các điểm ảnh riêng biệt. Thực tế, ở khoảng cách sử dụng (từ tay cầm tới mắt) hợp lý, ngay cả các màn hình ở mức 300PPI của Apple đã là quá đủ cho mắt người. Các mức 400PPI hay 500PPI sẽ giúp tăng độ sắc nét khi bạn cầm smartphone ở khoảng cách gần hơn.

    Trong năm 2014, LG khởi động cho cuộc đua màn hình Quad HD (2K) với chiếc G3 có màn hình 2560 x 1440 pixel. Trong năm nay, chiếc Galaxy S6 rất được lòng người hâm mộ cũng có độ phân giải 2560 x 1440 pixel, tương đương với độ sắc nét lên tới 577 PPI. Nhưng, để nhận biết được sự khác biệt giữa màn hình 1080p có cùng kích cỡ (tương đương với 432PPI) với màn hình 2K của Galaxy S6, bạn sẽ phải... dí sát mắt vào màn hình.

    Điều này có nghĩa rằng màn hình 2K sẽ không mang lại cải thiện nào về chất lượng hình ảnh trong hoàn cảnh sử dụng thực tế cả. Đáng buồn hơn, sự khác biệt duy nhất mà màn hình 2K mang lại cho người dùng lại là một điểm trừ trầm trọng: thời lượng pin bị giảm sút. Cả LG G3 lẫn Galaxy S6 đều có thời lượng pin kém hơn khá nhiều so với các sản phẩm tiền nhiệm.

    [​IMG]
    LG G3 sẽ hoàn thiện hơn rất nhiều nếu như KHÔNG vươn tới độ phân giải 2K


    Nói tóm lại, mang độ phân giải 2K lên smartphone là một bước đi vô nghĩa và hoàn toàn mang tính chất marketing. Các chuyên viên marketing chắc hẳn sẽ không thích phải chấp nhận sự thật rằng sản phẩm mà họ cần quảng bá lại có độ phân giải thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Nhưng, xét tới trải nghiệm thực tế, cuộc đua độ phân giải màn hình lẽ ra đã nên dừng ở mức 1080p. Hãy cùng hy vọng rằng trong tương lai, độ phân giải 4K sẽ không xuất hiện trên smartphone. Nếu như kịch bản đó xảy ra, bạn sẽ phải "hy sinh" một nửa thời lượng pin mà chẳng thu nhận được lợi ích gì cả.

    Lợi thế về ứng dụng không còn là của riêng ai


    Đôi khi, các nhà sản xuất sẽ tung ra các mẩu quảng cáo tập trung vào các tính năng phần mềm, ví dụ như trợ lý ảo, khả năng sao lưu đám mây dung lượng lớn hoặc các ứng dụng chỉnh sửa ảnh cao cấp. Nhìn từ góc độ người dùng, bạn có thể thấy rằng những lợi thế này không phải là của riêng bất kỳ nhà sản xuất hay thậm chí là bất kỳ một hệ điều hành nào cả.


    Mẩu quảng cáo dành cho Nexus tập trung vào các tính năng mà... smartphone Android nào cũng có


    Trong bối cảnh các nhà phát triển ứng dụng đang chuyển dần sang mô hình miễn phí (thu lời bằng quảng cáo) hoặc trả phí hàng tháng thay cho mô hình mua ứng dụng một lần như trước đây, trải nghiệm ứng dụng iOS và Android đã trở nên khá tương đồng về số lượng. Với một vài ngoại lệ không mấy ý nghĩa với trải nghiệm di động của bạn, tất cả các ứng dụng quan trọng như mạng xã hội, tin nhắn hay chỉnh sửa ảnh đều có mặt trên cả 2 hệ điều hành di động phổ biến nhất hiện nay. Bạn thậm chí còn có thể tải về iPhone/iPad toàn bộ các ứng dụng chủ chốt của Google như Gmail, YouTube, Chrome.

    Ngay cả trên mặt trận trợ lý ảo, các hệ điều hành đối thủ đã không còn hơn kém nhau một cách rõ rệt. Apple đã từng gây ấn tượng mạnh mẽ với Siri vào năm 2011, nhưng Google cũng đã có Google Now và Microsoft cũng đã có Cortana. 3 trợ lý ảo từ 3 ông lớn vẫn có sự khác biệt về tính năng, song nhìn chung các mẩu quảng cáo về trợ lý ảo vẫn tập trung quanh một số tính năng chính đã quá quen thuộc như hỏi-đáp, ra lệnh thực hiện tác vụ... Sau khi để Google và Microsoft vượt mặt về mức độ thông minh của trợ lý ảo, trong năm nay Apple cũng đã cung cấp thêm tính năng Proactive cho phép tự động nhắc nhở, tự động gợi ý cho người dùng.

    Các mẩu quảng cáo iPhone bao giờ cũng sẽ đề cập tới Siri, còn các mẩu quảng cáo Android bao giờ cũng sẽ đề cập tới Google Now, nhưng sự khác biệt giữa các trợ lý ảo đã không còn rõ rệt tới mức có thể đem lại giá trị hữu ích cho người dùng.

    [​IMG]
    Các ứng dụng do các nhà sản xuất Android phát triển thường xuyên bị ghẻ lạnh vì có chất lượng quá kém


    Cuối cùng, các nhà sản xuất cũng sẽ tự phát triển ra một số ứng dụng độc quyền cho điện thoại của riêng họ như HTC Zoe hoặc Samsung S Voice. Trong khi các ứng dụng này có thể mang lại trải nghiệm sử dụng khá thú vị, phần lớn đều sẽ rơi vào tình trạng... không có ai thèm dùng. Tất cả các ứng dụng quan trọng nhất, nhiều người sử dụng nhất đều là các ứng dụng dành chung cho tất cả người dùng smartphone, bất kể là họ đang sử dụng thương hiệu nào.

    Giải pháp duy nhất để không bị lừa phỉnh bởi quảng cáo


    Khi thị trường smartphone đã đạt đến độ "chín" như hiện nay, người tiêu dùng sẽ được đón nhận các sản phẩm có chất lượng khá tốt. Gần như tất cả những chiếc smartphone đầu bảng hiện nay đều đã trở nên đủ tốt để mang lại sự hài lòng cho người tiêu dùng.

    [​IMG]


    Nhưng điều đó không có nghĩa là sản phẩm mà bạn muốn mua là tuyệt vời nhất, vượt trội nhất so với các đối thủ cạnh tranh. Qua ngôn từ của các chuyên gia marketing, bất cứ một chiếc smartphone nào cũng trở nên hoàn hảo, vượt trội toàn diện so với các đối thủ cạnh tranh. Trong khi mỗi chiếc smartphone đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, bạn không nhất thiết phải bỏ ra thêm một đống tiền để mua lấy những chức năng mà bạn không thực sự cần đến, hoặc thậm chí là... không có ý nghĩa thực tế.

    Nói tóm lại, bất kỳ thông điệp quảng cáo nào cũng đều không thể vượt qua hiểu biết và trải nghiệm của chính bạn. Đừng vội vàng cho rằng màn hình 2K mới là cao cấp, và cũng đừng vội đánh giá thấp những chiếc iPhone chỉ có 1GB RAM. Hãy ngừng tin vào quảng cáo và đi tới cửa hàng để trải nghiệm thực tế chiếc smartphone "trong mơ" của bạn.

    Theo VnReview


Share This Page

Tin mới nhất