[Tâm sự game thủ] Gửi lại bộn bề để trở về yên ả!

mjuxinh
  1. Tôi chợt nhận ra rằng, ngoài cái thế giới ảo trong game ra, còn một nơi tôi có thể sống trọn những phút giây yên bình, thanh thản nhất – đó là quê nội!

    Sau những bận rộn, căng thẳng, mệt mỏi của cuộc sống thường nhật, tôi thường tìm đến game như để tìm cho mình một sự cân bằng nhất định. Đã có lúc tôi nghĩ rằng, chỉ có ở trong thế giới này thôi, tôi mới tìm thấy được sự bình yên, thanh thản cho tâm hồn mình, tránh xa được những bon chen, vội vã của cuộc sống ngoài kia.

    [​IMG]


    Rồi bỗng một lần ngồi lật giở quyển album ảnh gia đình, tôi vô tình thấy lại tấm ảnh cũ của tôi chụp ở sân nhà ông bà nội hồi nhỏ. Từ ngày ông bà mất, tôi ít về đó hẳn. Hình như tôi đã quên, quên một nơi đã từng gắn với những năm tháng tuổi thơ của tôi. Tôi chợt nhận ra rằng, ngoài cái thế giới ảo trong game ra, còn một nơi tôi có thể sống trọn những phút giây yên bình, thanh thản nhất – đó là quê nội!

    [​IMG]


    Và tôi quyết định về quê - một mình – tìm lại tôi - của những ngày xưa cũ. Bắt chuyến xe giữa bao tiếng ồn ào cười nói của hành khách, tôi chỉ mong tất cả là thoáng qua để nhanh chóng trở về chốn yên bình ấy!

    Nhấc chiếc cánh cổng tre đã phủ mốc, tôi bước vào nhà trước bàn thờ nội. Ảnh ông và bà vẫn còn đó, tôi lấy chiếc chổi lông gà phẩy những hạt bụi vương trên chốc bàn thờ. Tôi lặng người thắp hương, kính cẩn chắp tay, giọt nước mắt khẽ chảydài. Ngôi nhà cấp 4 vẫn còn đây, cảnh vật vẫn vẹn nguyên, nhưng bóng người đã không còn. Ngồi trên chiếc chõng tre cũ, tôi hướng mắt nhìn ra ngoài sân, nắng lấp lóa sau những cây mít nhiều năm tuổi, gió khẽ đưa nhẹ đủ làm tóc mai của tôi tung bay. Những con bướm đang dập dìu trên đóa hoa mẫu đơn đỏ, hàng sấu già thân đã mốc trắng xanhvới những đọt tầm gửi um tùm….thời gian đã trôi qua không đếm tuổi. Tôi nhớ về truyện “Mảnh vườn xưa hoang vắng” của Đỗ Chu, và chẳng hiểu sao ngay lúc này tôi cũng thấy mảnh vườn ấy như đang hiển hiện trước mắt tôi.

    [​IMG]


    Bể nước ông hứng ngày nào nước đã cạn, nắng mưa cuộc đời, biết bao mùa đã đi qua, bao mùa không còn trông thấy dáng ông lọng khọng kê máng hứng từng dòng nước mưa mát lành trên mái nhà, mái bếp. Lư hương giữa vườn cũng lạnh lẽo chân nhang đỏ, những vòng hương đã rụng, bụi phủ mờ thời gian. Sân phơi những trưa hè ông đội nón cầm bàn cào ra đảo sắn trắng, ngô lúa vàng óng nay rêu xanh đã bám chặt đến kiệt cùng. Ông vẫn ngồi đó, trên chiếc chõng tre, bật chiếc radio nghe tin tức thời sự, giờ chiếc chõng ấy một chân đã mục, sắp gẫy. Mái ngói của gian nhà chính ít nhiều đã xô lệch. Nắng chiếu qua từng khe nhỏ và có lẽ những ngày mưa, căn nhà sẽ dột. Bước xuống gian bếp với mái lợp cọ lẫn cỏ gianh, tôi thấy bà như vẫn còn đây. Bà vun từng đống lá khô để đầy trong bếp đun từ ngày này sang ngày khác. Nồi cơm bà thổi vì thế lúc nào cũng có cả mùi khói lá ém xuống tận lớp cháy cuối xoong.

    Bà biết chị em tôi thích ăn óc đậu, nên mỗi lần về bà đều nấu món này. Bà cứ cặm cụi mỗi sớm mai nhóm bếp, và mỗi lần khui mắt lúc mới thức dậy, tôi đều thấy bà đã chuẩn bị tinh tươm mâm cơm sáng. Rau sắn om, cá kho trám sấu, lạc vừng rang…. Nhìn bấy nhiêu món thôi, đã đủ thấy bà tôi tuyệt như thế nào. Ăn sáng xong bà lại đi hái chè,tôi lui cui cắp chiếc rổ đi theo bà xuống vườn. Bà dạy tôi: “Nhìn những lá chè cứng, dáng có thể hơi quăn, màu thẫm con mới được vặt nhé”. Tôi hái từng chiếc như tập đếm, còn đôi tay của bà cứ đưa nhịp thoăn thoắt. Chẳng mấy chốc, bà đã hái được một ụ to, tôi chìa chiếc rổ ăn hôi. “Chè núi Ninh mà pha với nước mưa đun cứ gọi là ngon tuyệt”- bà vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa bảo tôi, nhưng kì thực tôi cũng không kiểm chứng vì cứ thử nhấp một ngụm là người đã thấy lao đao như say nước chè.

    [​IMG]


    Mỗi buổi chiều, khi tiếng chuông chùa gần đó ngân vang, bà lại vung nắm thóc cuối cho lũ gà con tranh nhau ăn trên sân. Khóm tre trong vườn đu đưa xào xạc trong gió. Đôi chuột núi cũng lẩn lẩn trộm vài hạt thóc cắp vội vào cái hang gần đó. Sau ngọn nhãn, nắng chiều đã hoe mắt, từng ánh nắng vàng vọt hắt nhẹ trên chốc bếp. Khói lam chiều bà thổi cơm đã cuộn lên từng làn. Bà vùi cho tôi hai củ sắn và hai củ khoai.Tôi cời ra cời vào trước cơn réo của anh dạ dày. Chao ôi, thưởng thức vị thơm ngon, bùi bở của chúng đúng là không gì tuyệt cú mèo bằng. Bà vẫn ngồi đó, mỉm cười nhìn tôi.

    Nhớ hồi ông bà còn sống,có một đôi tắc kè vẫn ở trên nóc nhà, chúng to bằng cổ tay, vẩy ráp, sần sùi mà xanh nhạt, mỗi lần nhìn thấy tôi đều thét khiếp. Nhìn chúng như một loài khủng long trong phim hoạt hình. Chúng ở đây, tự nhiên và tình cờ, nhưng đã gắn bóvới ông bà tôi nhiều năm rồi. Lần này về, tôi không còn nhìn thấy chúng, tự nhiên thèm một lần được sợ như xưa. Cô tôi bảo, đôi tắc kè ấy đẻ được 2 con,sau khi ông bà mất, nghe tiếng kèn trống suốt mấy ngày liền, sợ động, chắc nó đã bỏ đi. Tôi thì không nghĩ vậy. Có lẽ chúng coi ông bà tôi như bạn, vì chẳng bao giờ ông bà tôi xua đuổi hay có ý định bắt chúng. Không còn ai ở đây, có lẽ chính cái lạnh lẽo đã khiến chúng cần tìm đến nơi có hơi ấm của con người- những con người lương thiện.

    [​IMG]


    Khác với đôi tắc kè, là con của- con chó - nhưng bà nội tôi vẫn hay gọi là “con” như thế, khi ông bà tôi mất, sợ không có ai chăm sóc, bố tôi đã bảo cô bắt nó về nuôi. Cô tôi cho vào thúng và mang nó xuống nhà. Nhưng lạ thay đến chiều nó lại lẽo đẽo trở về nhà cũ. Bụng mang dạ chửa, ánh mắt nó buồn rầu, bốn chân đi rệu rạo. Cô tôi đi theo bếch về, nhưng sáng hôm sau nólại tiếp tục hành trình về nhà. Cô tôi phát bực chẳng hiểu làm sao liền gọi điện cho bố tôi. Bố bảo: “thôi cô cứ để kệ nó vậy. Chịu khó mang cơm hàng ngày lên cho nó”. Khoảng 1 tháng sau, nó sinh được 3 đứa con. Một buổi sáng nọ, cô tôi mang cơm lên như thường lệ thì trông thấy chó mẹ nằm im trên gian nhà chính dưới chân bàn thờ ông bà tôi, ba đứa con lúc nhúc trong ổ còn chưa mở mắt. Con chó đã từ giã căn nhà, tôi không biết vì nó yếu quá hay nhớ thương ông bà quá mà ra đi lặng lẽ như vậy. Đúng là người xưa nói chẳng sai, chó vẫn luôn là người bạn trung thành tuyệt đối nhất với con người: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”.

    [​IMG]


    Lẩn thẩn nghĩ ngợi, có tiếng gọi của cô tôi, tôi giật mình như người vừa thức dậy sau cơn mơ dài. Đã 6 giờ chiều, khói không còn cuộn lên nơi gian bếp, đống lá khô năm nào bà vun nay cũng thành mùn mục. Tôi gạt tay ngang má, khép cánh cửa tre đã xộc xệch. Chính tay ông nội tôi đã đan chiếc cổng này. Khép lại cánh cửa trong sự lặng lẽ, tôi thấy mình như đang khép lại tuổi thơ, quá khứ và yên bình. Ngày mai, tôi sẽ lại lên xe hòa mình vào bao sự ồn ã trước dòng đời, tôi vẫn thèm những phút giây bình yên trong mảnh vườn của nội. Tôi biết ở đó, nội vẫn chờ tôi trở về. Trong ráng chiều, bóng tôi in dài trên nền đường, những bước đi cứ xa mãi xa mãi cho đến khi khuất nẻo.​



Share This Page

Tin mới nhất