Thời của những kẻ mượn tên ông lớn đi bán điện thoại?

Emily
  1. Nokia, BlackBerry đều nói lời từ biệt với thị trường điện thoại, nhượng lại thương hiệu của mình cho các tên tuổi vô danh để mong kiếm chác chút đỉnh từ hào quang quá khứ.

    Tập đoàn điện tử Trung Quốc TCL vừa công bố đạt thỏa thuận toàn cầu, sử dụng thương hiệu BlackBerry trên những chiếc smartphone của mình. Thỏa thuận này được đưa ra ít lâu sau khi công ty Canada tuyên bố dừng sản xuất smartphone để tập trung vào dịch vụ và phần mềm.

    Theo điều khoản trong thỏa thuận, TCL sẽ "thiết kế, sản xuất, bán và hỗ trợ khách hàng cho các thiết bị di động thương hiệu BlackBerry".


    [​IMG]
    TCL làm cách nào tạo ra những chiếc di động mang tính biểu tượng như BlackBerry đã từng làm? Ảnh: ITP.


    Nói cách khác, bất cứ chiếc smartphone BlackBerry mới nào bạn mua trong tương lai sẽ không phải do BlackBerry sản xuất.

    Câu chuyện của TCLBlackBerry khiến người ta nhớ đến cái tên Nokia. Cách đây ít ngày, công ty mà một năm trước cả thế giới không ai biết tên là HMD Global Oy cũng công bố đạt thỏa thuận sử dụng thương hiệu Nokia trên các smartphone của mình.

    Trong ít ngày đầu tháng 12, CEO của hãng này rầm rộ tuyên bố sẽ ra mắt smartphone Nokia chạy Android đầu năm sau với niềm tin tưởng tuyệt đối rằng Nokia là một thương hiệu bất diệt.

    So với TCL, HMD Global có phần chiếm được cảm tình của người dùng hơn bởi đội ngũ nhân sự của họ bao gồm phần lớn những người đã từng "ăn chén cơm Nokia" trước kia. 16 trên 17 lãnh đạo cao cấp của HMD từng là người của Nokia.

    Công ty này thậm chí mua lại bộ phận sản xuất điện thoại phổ thông Nokia từ tay Microsoft, qua đó vỗ về người dùng rằng ADN Nokia vẫn còn nguyên, dù nó có trong tay ai đi nữa. Trong câu chuyện này còn xuất hiện một cái tên nữa là FHI Mobile, công ty con của Foxconn. FHI sẽ là người sản xuất và phân phối các sản phẩm Nokia sắp ra mắt.

    Nói một cách ngắn gọn, HMD là chủ sở hữu của thương hiệu điện thoại, tablet Nokia trong 10 năm tới. Họ hợp tác với FHI để sản xuất và phân phối sản phẩm.

    Nokia - công ty còn lại sau khi bán mảng di động cho Microsoft - không đầu tư trực tiếp vào HMD nhưng có nhân sự trong đội ngũ lãnh đạo của HMD như một hình thức mang tính biểu tượng và nhận các khoản thanh toán thường xuyên cho bằng sáng chế.​


    [​IMG]
    Cái bắt tay của Nokia và HMD khiến người ta lo lắng hơn là hào hứng cho sự trở lại của thương hiệu này. Ảnh: Getty Images.


    Nhắc đến đây, người ta không khỏi cảm thấy thương xót cho 2 ông hoàng di động một thời. Nokia và BlackBerry đều từng là tượng đài tưởng chừng như không thể xô đổ của làng di động thế giới.

    Năm 2009, BlackBerry nắm giữ 20% thị phần smartphone thế giới. 7 năm sau, thị phần của họ chưa đạt 0,1%. Mọi chuyện thay đổi quá nhanh. Sự tụt dốc của Nokia còn thê thảm hơn.

    Quý IV/2007, họ nắm giữ 50,9% thị phần điện thoại thế giới, đồng nghĩa cứ 2 di động bán ra thì một chiếc là của Nokia. Con số 7 cũng ám ảnh Nokia khi sau đó 7 năm (năm 2014), triều đại của họ chấm dứt bằng động thái bán mảng di động cho Microsoft.

    Giờ đây, nhắc đến những cái tên như BlackBerry hay Nokia, tín đồ của hãng này chỉ còn lại những hoài niệm. Có thể họ sẽ vẫn mua những chiếc smartphone sau này - những di động mang vỏ BlackBerry, Nokia - nhưng phần hồn đã phần nào thay đổi.

    Nhắc đến câu chuyện của Nokia, BlackBerry để thấy thị trường di động khắc nghiệt ra sao. Chỉ cần chậm chân trong việc chuyển mình, những thế lực hùng mạnh nhất cũng có thể bị lật đổ chỉ sau vài năm.

    Nhìn tấm gương của những đại thụ như Nokia, BlackBerry, người ta đang lo ngại cho Apple khi doanh số của hãng này cũng liên tục sụt giảm trong suốt năm qua còn smartphone của họ thì trải qua 3 thế hệ không có nhiều đổi mới.

    Vì thế, đừng ngạc nhiên khi một ngày nào đó, smartphone thương hiệu Táo cắn dở lại được bán bởi một cái tên xa lạ nào đó. Phải chăng, đã đến thời của những kẻ mượn danh ông lớn đi bán điện thoại?

    Theo Zing


Share This Page

Tin mới nhất