Nếu đã xem phiên bản điện ảnh của World War Z, bạn đọc có thể nhớ tới nhân vật Jurgen Warmbrunn - một trong những người đứng đầu cơ quan tình báo của Israel: Mossad. Ông là cá nhân có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến trên thế giới nói chung và đất nước mình nói riêng khi tạo ra pháo đài phòng thủ zombie cực kỳ hiệu quả. Nay trong kỳ World War Z thứ 12, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về ông và thấy được sự khác biệt rất lớn giữa game, phim cũng như truyện.. Lưu ý: Phần tô đậm là những chú thích hoặc câu hỏi của tác giả Max Brooks về bối cảnh và con người trong World War Z khi ông tiến hành phỏng vấn. Phần chữ thường là lời tự thuật của chính nhân chứng ở những đất nước khác nhau. Tel Aviv, Israel Jurgen Warmbrunn có một sự đam mê mãnh liệt với những món ăn xuất xứ Ethiopia, giải thích tại sao chúng tôi gặp nhau trong một nhà hàng nước ngoài. Với làn da trắng, ửng hồng, đôi lông mày ương bướng điểm cùng mái tóc phong cách "Einstein", ông có cái tướng rất dễ làm người ta lầm tưởng với một nhà khoa học hay giáo sư đứng lớp. Nhưng cả hai đều không phải. Dù chẳng bao giờ thừa nhận mình "đã", hay thậm chí còn "đang" đảm nhiệm vị trí nào trong cơ quan tình báo Israel, ông vẫn mở lòng rằng ở một góc độ nào đó, người ta vẫn có thể gọi ông với cái danh "gián điệp". Con người ta chẳng tin vào bất cứ chuyện gì nếu nó chưa xảy ra. Đó không phải là một yếu điểm hay sự ngu dốt, nó đơn thuần là bản chất mà thôi. Tôi không đổ lỗi cho bất cứ ai ngoài kia đã ngoảnh mặt quay đầu, tôi không tự cho mình thông minh hay giỏi giang hơn họ. Tôi nghĩ mọi thứ bắt nguồn từ nơi chúng ta lớn lên. Tôi vô tình được sinh ra trong một dân tộc luôn sống chung với nỗi sợ tuyệt chủng. Và nỗi sợ đó như một phần danh phận, như một phần suy nghĩ, như một bài học dạy chúng tôi qua các phép "thử và sai" chết người, nhắc nhở chúng tôi luôn biết cảnh giác. Lời cảnh báo đầu tiên về trận đại dịch mà tôi có trong tay đến từ những người bạn và khách hàng tại Đài Loan. Họ ca thán về phần mềm giải mã chúng tôi mới viết. Rõ là phần mềm này không thể đọc được một số e-mail gửi từ Trung Quốc, hoặc chí ít cũng đưa ra những kết quả giải mã kém chất lượng tới độ mà thông tin không có giá trị tình báo. Tôi nghi ngờ rằng vấn đề không nảy sinh từ phần mềm mà do chính những tin báo được dịch lại. Với cái đám Chủ Nghĩa Xã Hội Trung Quốc già nua hết thời đó (mà thực tế chúng cũng chẳng còn là Chủ Nghĩa Xã Hội nữa) anh nghĩ mình nhận được gì chứ? Chúng luôn có một cái thói xấu khó bỏ, đó là sử dụng hàng tá những máy tính cũ.. trải dài trên hàng chục thế hệ và xuất xứ từ hàng trăm quốc gia. Nhưng trước khi tôi gửi lời nhắc nhở tới Đài Bắc, tôi nghĩ mình nên tự đánh giá những tin báo đó đầu tiên. Tôi thực sự thấy bất ngờ khi phát hiện ra rằng tất cả ký tự đều được giải mã vô cùng hoàn hảo. Tuy nhiên.. khi đọc tới nội dung.. Những tin báo nhắc tới một trận đại dịch, một trận đại dịch giết chết nạn nhân và đưa họ sống dậy dưới mác những gã động kinh cuồng sát. Tất nhiên ban đầu tôi không mảy may tin lấy một chữ, đặc biệt khi mà vài tuần sau cuộc bạo loạn ở eo biển Đài Loan, những tin báo liên quan tới mấy cái xác biết đi cũng đột ngột chấm dứt. Tôi nghi là tin báo ẩn chứa lớp mã thứ hai, mã trong mã. Đây là một phương thức truyền tin khá quy chuẩn, sinh ra từ những ngày loài người hiểu nghĩa của từ "thông tin liên lạc". Có lẽ đám Trung Quốc không muốn nói tới mấy cái xác mà ý chỉ một hệ thống vũ khí mới hay chiến dịch tấn công quy mô. Mặc mọi chuyện, tôi cố để sự vụ ngoài tai. Nhưng như cách nói của một trong những vị "siêu anh hùng" nước Mỹ.. "Giác quan nhện của tôi đang ngứa ngáy". Không lâu sau, trong tiệc cưới con gái, tôi vô tình gặp mặt một vị giáo sư đến từ trường Đại học Do Thái. Là một người mau chuyện cùng một chút cồn hòa trong huyết quản, ông ta bắt đầu kể về người anh họ mình đang làm việc ở Nam Phi và những câu chuyện xung quanh Golem. Anh biết Golem chứ? Những bức tượng đất bất động được pháp sư thổi vào sự sống? Chính Mary Shelly đánh cắp ý tưởng này cho tiểu thuyết Frankeinstein. Ban đầu tôi không nói, chỉ im lặng lắng nghe. Ông ta bắt đầu lảm nhảm về việc Golem được làm nên từ gạch đá, và chúng chẳng mấy nghe lời chủ nhân. Nhưng ngay khi ông ta nhắc tới "xác chết sống lại", tôi lập tức cất tiếng hỏi han số điện thoại. Hóa ra vị giáo sư này đã từng ở Cape Town, tham gia vào một trong những tour du lịch cảm giác mạnh, "Cho cá mập ăn" - tôi nghĩ. Rút cục con cá cũng đớp ông ta một phát, ngay bàn tọa, khiến ông ta phải nằm hồi sức ở viện Groote Schuur, nơi những bệnh nhân đầu tiên từ Khayelitsha được mang tới. Ông ta chưa từng chứng kiến bất cứ ca bệnh thật sự nào, nhưng những câu chuyện mà ông nghe lỏm được vẫn giúp tôi lấp đầy chiếc máy ghi âm. Sau đó tôi trình bày lại sự việc lên cấp trên, cùng với những e-mail đã được mã hóa. Đây chính là lúc tôi được hưởng lợi ích thật sự từ những nghịch cảnh mà hệ thống an ninh đất nước phải gánh chịu trong quá khứ. Tháng 10 năm 1973, khi cuộc tấn công bí mật của quân Ả-Rập diễn ra, một cuộc xâm lăng gần như đẩy người dân Israel tới Địa Trung Hải, mọi thông tin tình báo đã bày biện trước mắt chúng tôi.. nhưng rồi chính chúng tôi lại bỏ ngoài tai mọi thứ. Chẳng ai trong cơ quan tình báo cân nhắc tới cái khả năng một cuộc tấn công tổng lực, được tính toán, lên kế hoạch và hợp tác bởi nhiều quốc gia lại có thể diễn ra và thậm chí ngay trong ngày nghỉ lễ linh thiêng nhất. Hãy gọi nó là sự trì trệ, gọi nó là sự bảo thủ, gọi nó là tâm lý bầy đàn không bao giờ có thể tha thứ. Tưởng tượng một nhóm người, tất cả đều đang nhìn chằm chằm vào bức tường trước mắt, mỗi người đều tượng thưởng kẻ bên cạnh vì đọc đúng chữ viết trên tường. Nhưng đằng sau đám đông đó là một tấm gương, phản chiếu đúng ý nghĩa thật sự của dòng chữ. Nhưng không ai nhìn vào tấm gương. Không ai nghĩ việc đó là cần thiết. Và sau khi để quân đoàn Ả-Rập kết thúc những gì Hitler bắt đầu, chúng tôi không chỉ nhìn vào chiếc gương như một công việc cần thiết mà mãi mãi coi đó chính sách quốc gia. Từ năm 1973 về sau, nếu có 9 nhà phân tích tình báo đi tới chung một kết luận thì nghĩa vụ của người thứ 10 là phải phản bác bằng mọi giá. Cho dù phản biện đó có vô lý, có xa vời tới đâu đi chăng nữa, người đó sẽ phải điều tra, phải đào bới thật sâu để tìm ra căn nguyên sự thật. Nếu gã hàng xóm có nhà máy điện nguyên tử sản xuất plutonium cấp độ vũ khí, anh đào bới. Nếu một kẻ độc tài được đồn đoán chế tạo siêu đại pháo bắn đạn xuyên năm châu, anh đào bới.. và nếu có một cơ hội nhỏ nhoi khiến tử thi đội mồ sống dậy và trở thành những cỗ máy giết người, anh đào, đào cho tới khi anh chạm tới sự thật tuyệt đối. -Hết- Kỳ sau trong chuyên mục Truyện Game 18+, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu tại sao bản cáo Warmbrunn-Knight lại đóng vai trò sống còn trong cuộc chiến Zombie.
Đoạn này trong World War Z hay wé.."Và sau khi để quân đoàn Ả-Rập kết thúc những gì Hitler bắt đầu, chúng tôi không chỉ nhìn vào chiếc gương như một công việc cần thiết mà mãi mãi coi đó chính sách quốc gia. Từ năm 1973 về sau, nếu có 9 nhà phân tích tình báo đi tới chung một kết luận thì nghĩa vụ của người thứ 10 là phải phản bác bằng mọi giá. Cho dù phản biện đó có vô lý, có xa vời tới đâu đi chăng nữa, người đó sẽ phải điều tra, phải đào bới thật sâu để tìm ra căn nguyên sự thật." sau các bạn gamehub nhớ dịch nhanh phần sau nhé.. như phần này mình thấy giống phim thế.