Trong World War Z kỳ này, chúng ta sẽ cùng đến với Breckinridge “Breck” Scott - người khi trận đại dịch zombie lần đầu tiên tấn công thế giới, đã cho ra mắt loại thuốc mang tên Phalanx, cho hay sẽ phòng chống hữu hiệu căn bệnh khiến tử thi sống dậy.. Vào những năm tháng trước chiến tranh, tiền đồn này được coi là nơi xa xôi hẻo lánh nhất trên toàn Trái Đất. Nằm gần cực nam của hành tinh và tọa trên lớp băng dày bốn kilomet của hồ Vostok, ở đây từng ghi nhận kỷ lục với âm tám mươi chín độ C, hiếm khi vượt quá âm hai mươi mốt. Mang cái lạnh cắt da cắt thịt và quãng thời gian tới cả tháng trời để di chuyển bằng đường bộ, Vostok trở thành mái nhà hấp dẫn trước con mắt Breckinridge “Breck” Scott. Chúng tôi gặp nhau tại "Mái Vòm" - nhà kính trắc địa gia cố và lấy điện từ lò địa nhiệt của trạm. Chỉnh sửa này cùng nhiều thay đổi khác được "Ngài" Scott tiến hành khi anh thuê Vostok từ chính phủ Nga. Anh chưa từng rời khỏi nơi đây kể từ ngày cuộc Đại bạo loạn diễn ra. Anh hiểu kinh tế là gì không? Ý tôi nói là về nền chủ nghĩa tư bản cực kỳ bành trướng trước chiến tranh. Anh biết nó hoạt động như thế nào không? Tôi thì chịu, và bất cứ ai mở miệng nói có, đều là đám tán phét nhảm nhí không hơn. Chẳng có quy luật, chẳng tính toán khoa học nào sất. Anh thắng, anh thua, hoàn toàn là quân bài đen đỏ. Quy luật duy nhất tôi có được không phải của kinh tế mà xuất phát từ lịch sử, truyền lại bởi lão giáo sư tại trường đại học Wharton. "Sự sợ hãi" - Lão nói, "Sự sợ hãi là thứ hàng hóa giá trị nhất trên toàn vũ trụ". Câu nói thực sự làm tôi ngã ngửa. "Bật TV lên" - Lão tiếp lời, "Anh thấy gì? Họ bán hàng? Không, họ bán nỗi sợ hãi về việc anh phải sống mà không có hàng hóa của họ". Quá chính xác! Nỗi sợ về tuổi già, về cô đơn, về khốn khó, về nghèo khổ, về lụi bại. Nỗi sợ hãi là thứ cơ bản, nguyên thủy nhất mà con người từng có. Buôn bán nỗi sợ. Đó là câu thần chú nằm lòng của tôi: "Buôn bán nỗi sợ hãi". Lần đầu khi hay tin đại dịch bùng phát, từ cái thời người ta mới chỉ gọi nó dưới cái tên "bệnh dại Châu Phi", tôi đã thấy một cơ hội cả đời mới có. Tôi chưa bao giờ quên bản tin ngày đó về đại dịch ở Cape Town, bản tin chỉ có được mười phút là thực sự chuyển tải tin tức, còn lại là cả tiếng đồng hồ vẻn vẹn suy đoán xem sự tình sẽ ra sao nếu có ngày virus xuyên qua bờ cõi Hoa Kỳ. Chúa ban phước cho cái bản tin đó. Chỉ mất ba mươi giây sau để tôi nhấc điện thoại và quay số. Tôi trao đổi với đám gần gũi và thân cận nhất của mình. Đám chúng nó cũng xem bản tin, nhưng tôi là kẻ đầu tiên "phát bóng".. và quả bóng mang tên "vắc xin" cho căn bệnh dại. Tạ ơn Chúa ngày đó không có thuốc chữa cho bệnh dại. Một phương thuốc chữa liền tay chỉ khiến con người ta móc hầu bao khi họ nghĩ mình nhiễm bệnh. Nhưng một loại vắc-xin thì lại khác. Vắc-xin là phương cách phòng tránh trước khi điều gì có thể xảy ra. Con người ta sẽ dùng nữa, dùng mãi, dùng cho tới cái ngày họ hay biết đại dịch vẫn lẩn khuất đâu đó ngoài kia. Chúng tôi có một tá mối làm ăn trong ngành công nghiệp y sinh, còn nhiều hơn trên đại lộ Penn & Hill. Chưa cần tới một tháng để đám tôi bắt tay vào công việc trong khi đề xuất chỉ mất vài ngày để ký. Tới khi bóng đứng trước khung thành, phần việc cuối cùng chỉ còn là bắt tay chỗ này chỗ khác. Vậy còn FDA? (FDA - Food and Drug Administration - Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ) "Đại ca trêu em đấy à?!". Ngày đó, FDA là một trong những bộ máy công quyền thiếu vốn và quản lý yếu kém bậc nhất trên toàn đất nước. Tôi nghĩ họ vẫn còn mải "phê" sau vụ trừ khử phẩm đỏ từ kẹo M&M (Một trong những sự kiện có thật khi dân chúng Mỹ lầm tưởng rằng chất Red Dye No. 2 sử dụng trong thực phẩm sẽ gây ung thư, dẫn tới việc FDA cưỡng chế M&M loại bỏ những viên kẹo màu đỏ ra khỏi sản phẩm của mình, cho dù M&M chưa bao giờ sử dụng chất này). Thêm đó, mấy anh ở FDA cũng nổi tiếng nhất nhì với việc "lả lơi" trong chuyện buôn bán làm ăn. Chắc đến J.P. Morgan hay John D.Rockerfeller cũng phải đội mồ sống dậy khi thấy mấy tay này lên đến được Nhà Trắng. Đám tay chân của họ còn chẳng thèm liếc qua bản báo cáo đánh giá phí tổn. Tôi nghĩ họ cũng mong mỏi một "thần dược" nào đó đến tay. Việc qua cửa FDA mất vỏn vẹn có hai tháng. Anh còn nhớ bài diễn văn của Tồng thống trước Quốc Hội, bài diễn văn về việc vắc-xin đã qua kiểm nghiệm tại Châu Âu từ rất lâu, nhưng thứ duy nhất ngăn nó cập bến xứ sở cờ hoa là một bộ máy nhà nước quan liêu và cồng kềnh? Nhớ câu: "Người dân không cần một chính phủ lớn, họ cần sự che chở và đang cần nó hơn bao giờ hết!" Ôi lạy Đức Chúa, tôi nghĩ cả nước phải tiểu ra quần, phải sợ mất mật vì câu đó. Đêm đó tỷ lệ ủng hộ của ông ta đạt ngưỡng bao nhiêu.. 60? 70?.. Điều tôi biết duy nhất là lần đầu phát hành cổ phiếu chúng tôi đạt tới 389 %! Xem lại anh đi em ơi, Baidu.com! Và anh không biết nó có thực sự chữa được bệnh hay không? Chúng tôi biết vắc-xin sẽ chữa được bệnh dại, và đó là những gì mà họ nói, đúng không? Chỉ là một chủng lạ của virus bệnh dại, bắt gốc từ mấy khu rừng nhiệt đới. Ai nói như vậy? Anh biết đó, họ.. đại khái như Liên Hiệp Quốc.. hay đám nào đó. Nhưng cuối cùng ai ai cũng gọi nó là bệnh dại Châu Phi còn gì nữa. Thuốc đã được thử nghiệm trên một bệnh nhân thực sự chưa? Sao phải làm vậy? Con người ta vẫn uống thuốc cảm cúm hằng ngày mà đâu cần biết nó chữa đúng căn bệnh mình mắc phải hay không. Chuyện này thì khác cái gì. Nhưng hậu quả để lại... Ai biết được chuyện sẽ đi xa tới vậy? Anh phải hiểu là chúng tôi không hề nói dối. Họ nói với chúng tôi là bệnh dại, vậy chúng tôi làm vắc-xin cho bệnh dại. Chúng tôi nói thuốc đã được kiểm nghiệm tại Châu Âu, mà đúng là thứ thuốc mà quá trình sản xuất vắc-xin dựa trên cũng được kiểm nghiệm tại Châu Âu. Về cơ bản, chúng tôi chưa từng lừa gạt ai. Về cơ bản, sai trái là điều chúng tôi chưa từng phạm phại. Nhưng nếu có ai phát hiện? Liệu ai còn muốn đứng lên phất cờ trong thời buổi đó? Đám chuyên ngành y? Vì chỉ định đây là loại thuốc phải kê toa mới có thể dùng, nên nếu đổ bể thì đám bác sỹ mất mát ngang ngửa chúng tôi. Và liệu còn ai dám cất lời phản đối? Đám nghị sỹ bỏ phiếu bầu để thuốc được thông qua? Tổng cục trưởng y tế cộng đồng? Hay thậm chí Nhà Trắng? Đây là tình thế đôi bên có lợi. Ai cũng muốn làm anh hùng, ai cũng muốn có vài đồng lời lãi. Sáu tháng sau ngày Phalanx lên kệ, chúng tôi bắt đầu có bè lũ ăn theo trải dài từ những thương hiệu rẻ tiền, vất vơ, những tay bán hàng đang phất cho tới thứ thoạt nghĩ chẳng liên quan như máy lọc khí gia đình. Nhưng Virus không hề lây lan qua không khí? Chẳng hề chi! Nó vẫn mang chung thương hiệu. "Từ những người sáng chế....", tôi có thể tiếp lời: ".. có thể ngăn ngừa lây nhiễm". Giờ tôi mới hiểu tại sao người ta cấm hô "cháy nhà" trong rạp chiếu phim. Vì mọi người sẽ không nói: "Này, có ngửi khói đâu mà có lửa". Không, họ sẽ nói: "Thôi xong, cháy! Cháy! Chạy bà con ơi!". (Cười lớn). Tôi kiếm lời từ việc kinh doanh máy lọc khí cho hộ gia đình, cho xe hơi. Nhưng tiền đổ về nhiều nhất vẫn ở cái thứ anh đeo quanh cổ khi lên máy bay. Tôi không biết thậm chí nó có lọc được bụi đất hay không, tôi chỉ quan tâm nó có lãi. -Hết- Trong phần sau, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu quá trình "làm ăn" của Breckinridge “Breck” Scott bằng loại vắc-xin chữa bệnh dại Phalanx, tiến tới những hậu quả nó để lại.. những hậu quả khiến người ta vẫn nghĩ mình sẽ sống nếu có bị cắn.