Sau sự việc xảy ra ở Trung Quốc, chúng ta tiếp tục đến với câu chuyện của Nury Televaldi - một gã buôn lậu Tây Tạng, kẻ chuyên vận chuyển người trái phép qua biên giới nhằm lấp đầy túi tiền cá nhân. Qua cuộc phỏng vấn của tác giả với Nuri, chúng ta sẽ có một cái nhìn cận cảnh hơn về quá trình lây lan đại dịch xác sống từ Trung Quốc sang những quốc gia lân cận, thậm chí là đặt bước tới thủ phủ Paris của Pháp. Lưu ý: Phần tô đậm là những chú thích hoặc câu hỏi của tác giả Max Brooks về bối cảnh và con người khi ông tiến hành phỏng vấn, trong khi phần chữ thường là lời tự thuật của chính nhân chứng ở những đất nước khác nhau. World War Z : An Oral History of Zombie War (Thế chiến Z: Lịch sử chiến tranh Zombie qua lời kể) Chương II: Cảnh báo Lhasa - Cộng Hòa Nhân Dân Tây Tạng Thành phố đông dân nhất thế giới đang trên đà hồi phục sau kỳ bầu cử diễn ra vào tuần trước. Đảng Xã Hội Dân Chủ đã thắng áp đảo Đảng Llamist, và đâu đó trên những con phố vẫn thấp thoáng bóng dáng của sự vui mừng. Tôi gặp Nury Televaldi trong một quán cafe bên đường. Tôi gần như phải gào lên để át đi cái thứ tiếng huyên náo của đám đông. Trước khi cơn đại dịch bùng phát, chuyện buôn lậu và vượt biên chưa bao giờ là một hoạt động diễn ra thường xuyên. Những việc như hộ chiếu, làm giả các chuyến xe buýt du lịch, lo lót đầu mối quen biết hay bảo kê tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Ngày trước, muốn sinh lời chỉ có thể đi các tuyến Thái Lan hay Myanmar. Với Kashi, nơi tôi sống, lựa chọn độc nhất là sang các nước thuộc Liên Xô trước đây. Nhưng mấy chỗ đó chẳng ai muốn ngó ngàng, nên ban đầu tôi cũng đâu có dính tới nghề đưa dân tị nạn vượt biên. Tôi từng là một gã chuyên ngành "nhập khẩu": Nào thì thuốc phiện nguyên chất, kim cương thô.. trai.. gái.. bất cứ thứ gì giá trị từ vài lời bào chữa xưa như Trái Đất của mấy anh chính phủ. Nhưng trận đại dịch thay đổi tất cả. Bỗng nhiên, đám tôi bị phủ đầu bởi những lời cưa cẩm đề nghị, và không chỉ từ đám dân lao động vô gia cư trôi nổi của Trung Quốc đâu nhé, mà còn từ những kẻ cao.. cao mãi trên cao. Tôi có đám thành thị đủ thứ ngành nghề, tôi có đám nông dân ruộng tư, thậm chí còn có vài thành phần cấp thấp trong chính phủ. Số họ là những kẻ có quá nhiều thứ để mất. Họ không quan tâm mình sẽ đi đâu, họ đơn thuần chỉ cần “xuất ngoại” mà thôi. Lúc đó anh có biết họ đang chạy trốn khỏi điều gì hay không? Chúng tôi có nghe phong phanh tin đồn. Thậm chí ngay ở Kashi chúng tôi còn có vài trận bùng phát. Chính phủ ỉm đi khá nhanh. Nhưng chúng tôi đoán.. chúng tôi biết.. là đang có chuyện gì đó không ổn. Chính phủ có cố chấm dứt hoạt động của các anh không? Chính thức thì có. Khung hình phạt cho việc buôn lậu, vượt biên được thắt chặt hơn, các chốt kiểm soát biên giới cũng tăng cường mạnh mẽ. Họ có hành hình vài đầu nậu.. công khai.. để lấy làm gương. Nếu anh không biết sự thật, nếu anh không nắm được tình hình ở phía chúng tôi, anh chắc hẳn sẽ nghĩ đó là một vụ bắt bớ thành công mĩ mãn. Anh đang nói rằng lệnh cấm không hiệu quả? Tôi đang nói rằng mình đã làm biết bao nhiêu kẻ phát tài: Lũ biên phòng, đám công chức nhà nước, cảnh sát, thậm chí là cả thị trưởng. Thời đó Trung Quốc vẫn còn tốt đẹp chán.. cái thời mà cách hay hớm nhất để tôn vinh Mao chủ tịch là ngắm nhìn dung nhan ông trên các tờ nhân dân tệ càng nhiều càng tốt. Anh quả là rất thành công. Kashi là một thành phố cảng. Tôi nghĩ phải tới 90% lượng giao thông đường bộ miền Tây tràn qua đây. Chỉ đề lại một phần nhỏ cho đường không. Có cả đường không? Chỉ một phần nhỏ thôi. Chuyện đưa đám dân tị nạn qua đường không là tôi học đòi người ta. Có vài chuyến lúc này lúc khác qua Kazakhstan hay Nga. Công việc thời vụ ấy mà. Không như mạn miền Đông, nơi mà đám Quảng Đông với Giang Tô tuồn hàng ngàn con người ra nước ngoài mỗi tuần. Anh có lấn sân sang mảng này được không? Tuồn người ra nước ngoài bằng đường không vốn đã là một ngành kinh doanh rất thịnh ở các tỉnh miền Đông. Ở đó có những khách hàng nặng túi, những kẻ với khả năng chi trả các gói du lịch đặt trước cùng visa hạng sang. Số này có thể bước xuống máy bạy ở những kinh đô như London hay Rome, thậm chí là San Francisco, đặt phòng khách sạn, đi ngao du ngắm cảnh… rồi thì bay biến nơi đâu chẳng hay. Kinh doanh kiểu này là cả một núi vàng. Lúc nào tôi cũng ước ao đặt chân vào giới “xuất khẩu” đường không. Nhưng còn về việc lây nhiễm bệnh? Chẳng phải có nguy cơ bị phát hiện đó sao? Chuyện chỉ xảy ra sau này, khi mà vụ “Chuyến bay 575” lùm xùm lên. Ban đầu cũng chẳng có mấy người nhiễm bệnh đi được đường không. Nếu được thì cũng chỉ là mấy gã giai đoạn đầu thôi. Đám dân buôn đường không cảnh giác ghê lắm. Nếu nó thấy mình có dấu hiệu, nó còn chẳng đến gần cơ. Đám chúng nó còn phải giữ chuyện làm ăn chứ. Nguyên tắc vàng là anh mà đã không lừa được đám “cò” thì có tài thánh anh cũng chẳng qua mặt được lũ nhân viên nhập cư nước ngoài. Bộ dạng và hành động của anh trông phải thật khỏe mạnh, và ngay cả khi được như thế rồi thì anh vẫn phải chạy đua với thời gian. Trước vụ 575, tôi có nghe chuyện về một đôi, một anh doanh nhân đang phất đi cùng vợ. Anh ta bị cắn. Nhưng không phải vết cắn quá nghiêm trọng, anh hiểu chứ, cái dạng mà “âm ỉ cháy”, cái dạng mà tất cả mạch máu đều mất đó. Tôi chắc mẩm là đôi này nghĩ bên Phương Tây có thuốc chữa, mà cũng chẳng phải ít người bị nhiễm có suy nghĩ như thế. Ngay khi vừa tới được khách sạn tại Paris thì anh này khụy xuống. Cô vợ định gọi bác sĩ nhưng anh chồng một mực không cho. Anh ta sợ mình và vợ bị gửi trả về nước. Anh ra lệnh cho cô bỏ mình ở lại, ra lệnh cho cô đi ngay lập tức trước khi anh ta rơi vào cơn hôn mê. Tôi có nghe là cô vợ đi thật. Rồi thì sau hai ngày liền với tiếng gào rên và đổ vỡ, nhân viên khách sạn cuối cùng cũng phải làm lơ tấm biển “không làm phiền” treo trước cửa phòng anh chồng mà xông vào. Tôi không biết trận bùng phát dịch ở Paris bắt đầu ra sao, nhưng chuyện này có khi lại là nguyên do. Kỳ sau trong chuyên mục Truyện Game 18+ chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện của tay buôn lậu Nury Televaldi về những lần chuyển những người tị nạn đang mắc bệnh qua biên giới.